"Đun sôi để nguội", một tổ hợp ngôn ngữ bình thường và quen thuộc. Nó bình thường đến nỗi không có gì đáng lưu ý, có chăng, chỉ là một ngữ dùng để phân biệt thực trạng một loại nước khác với nước lã thông thường.
Ấy vậy mà vẫn có vấn đề, nếu ta bàn luận tới những khía cạnh liên quan tới cấu tạo từ, ngữ nghĩa và chức năng khi sử dụng.
"Đun sôi để nguội" là ngữ động từ nói về cách xử lý chất lỏng, cụ thể là nước uống. Hàng ngày, chúng ta thường sử dụng các loại nước giải khát: nước chè, nước vối, nước hoa quả, nước lọc…. "Nước lọc" là "nước đã được đun sôi, thường để nguội" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Các bậc phụ huynh (hoặc thầy cô giáo) hay nhắc nhở con cháu (học sinh) là phải lưu ý sử dụng nước uống hợp tiêu chuẩn vệ sinh: Không uống nước lã (nước giếng, nước ao hồ, và cả nước mưa) khi chưa được đun sôi. Nước lã chỉ khi được đun nóng đạt nhiệt độ sôi (100oC) thì mới tiệt trùng, không chứa mầm bệnh đường ruột (và một số bệnh khác). Nước đun sôi để nguội cũng có thể dùng trong những trường hợp cần thiết khác (tắm cho trẻ sơ sinh, pha chế nước giải khát, muối dưa… chẳng hạn).
Ở đây, ta thấy có cặp từ trái nghĩa: sôi >< nguội. Thực ra, ta còn có thể thiết lập các cặp trái nghĩa khác tương tự: sôi >< lạnh (nước sôi/ nước lạnh), nóng >< nguội (nước nóng/ nước nguội, cơm nóng/ cơm nguội, canh nóng/ canh nguội), nóng >< lạnh (nước nóng/nước lạnh), ấm >< lạnh (nước ấm/ nước lạnh)…
Bản thân từ "nguội" cũng chưa thật rõ ràng, mang tính áng chừng, vì nó chỉ được hiểu là "không còn nóng nữa, trở thành có nhiệt độ bình thường" (từ điển, đã dẫn). Vậy "nhiệt độ bình thường" là bao nhiêu? Là tương đương nhiệt độ cơ thể 37oC hay sao? "Bình thường" so với nhiệt độ ngoài trời giữa mùa Hè và mùa Đông là khác (có thể trên 30 độ khi trời nóng hoặc dưới 10 độ lúc trời lạnh). Nguội ở đây được hiểu "không còn nóng, miễn là uống được" để khỏi bỏng miệng. Thực tế, có người vẫn uống nước "nguội", nhưng ở nhiệt độ khá cao: 40 đến 50oC (miễn là họ thích, họ thấy phù hợp).
Ngay cả "sôi", nhiều trường hợp cũng không nhất thiết là "nước sôi, ở 100oC". Trong nông nghiệp, người ta có công thức "ba sôi hai lạnh". Công thức này áp dụng để xử lý nước khi ngâm hạt giống (lúa, ngô, lạc, đỗ): pha hỗn hợp nước với tỷ lệ "3 phần nước sôi với 2 phần nước lạnh". Nhưng nước sôi thật, hoặc gần sôi, hoặc sôi già đều được. Còn "lạnh" có thể chỉ là nước bình thường (múc ở giếng, ao, hồ…) chứ hoàn toàn không phải nước lạnh được lấy ra từ tủ lạnh, ngăn đá.
Ngày xưa làm gì có tủ đông lạnh phổ cập (để bảo quản thức ăn, để dùng cho y tế, cho hoạt động kỹ thuật, công nghiệp) như bây giờ. Mà nếu có thì cũng không ai máy móc đi tìm nước lạnh nhân tạo làm gì. Ngâm hàng tạ, hàng tấn hạt giống thì lấy đâu ra nước lạnh như thế.
"Sôi" và "lạnh" trong "ba sôi hai lạnh" chỉ là nhiệt độ mang tính "áng chừng", gần đạt tới ngưỡng chỉ nước thật nóng và nước bình thường (không phải sôi cho diệt hết vi khuẩn, hoặc tới độ để pha nước chè). Nhiều kỹ thuật viên ngâm hạt giống khi pha nước này có thể dùng nhiệt kế, thậm chỉ chỉ cảm nhận chủ quan (bằng tay) cũng có thể quyết định nhiệt độ nước ngâm phù hợp.
Trở lại trường hợp "đun sôi để nguội". Đây là cụm từ cố định. Gồm 4 âm tiết, với 2 tổ hợp riêng biệt: 1) đun sôi, 2) để nguội. "Đun sôi" là hành động "đun" (dùng lửa tác động) với mục đích cho nước sôi (nước sủi lên, dấu hiệu đạt nhiệt độ tối đa của nước tự nhiên). "Để nguội" là hành động "để nước sôi ra ngoài, chờ cho nước nóng giảm nhiệt độ và cân bằng với nhiệt độ bình thường". Đó là hai giai đoạn trong một quy trình xử lý nước sinh hoạt theo ý muốn. Phải đun sôi xong thì mới để nguội.
Vệ sinh "ăn chín, uống sôi"
Giữ sức khoẻ, em nhớ lời, nghe em!
Tags