"A. Garnacho (Argentina) có pha vào bóng bằng gầm giày nguy hiểm với hậu vệ Asnawi của Indonesia trong trận giao hữu tối 19/6/2023" (Zing news, 20/6/2023).
Không chỉ có các báo giấy mà còn các bình luận viên (nhất là bình luận viên truyền hình) gần đây rất hay dùng tổ hợp "vào bóng bằng gầm giày" để chỉ một động tác của một cầu thủ nào đó tác động trái luật vào cầu thủ đối phương nhằm cản trở việc đi bóng của anh ta. Trong những tình huống như thế, trọng tài sẽ coi là một lỗi nặng (vì rất dễ gây chấn thương cho đối thủ).
Vấn đề đáng lưu ý ở đây là xét từ góc độ ngôn ngữ, "gầm giày" được hiểu như thế nào?
"Gầm" trong tiếng Việt là danh từ, chỉ một "khoảng trống kể từ mặt đến đáy của một số vật xây dựng hoặc kê bên trên" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2020). Ta thường nghe nói về các loại "gầm", như gầm bàn, gầm cầu, gầm cầu thang, gầm chạn, gầm tủ… Không thể hiểu theo nghĩa này (như trong từ điển) trong trường hợp "gầm giày" (dưới giày có khoảng không gian nào đâu?).
Gầm giày trong cách dùng này ám chỉ "phần dưới cùng của giày". Nhưng phần dưới cùng của các vật dụng tương tự như giày, người Việt thường gọi là "đế": Đế guốc, đế dép, đế giày. Ví dụ: Đóng đinh vào đế guốc; dán miếng đệm vào đế dép; đế giày này cao 10 phân…
Tuy nhiên, gần đây, giới thể thao lại rất hay sử dụng từ "gầm giày" trong một số trường hợp chơi bóng đặc thù. Cũng bởi trong môn bóng đá trong nhà (futsal), việc xử lý bóng bằng "mặt dưới của giày" được coi là một kỹ năng quan trọng bậc nhất. Không giống với bóng đá 11 người đá trên sân cỏ (với kích thước tiêu chuẩn 68x105m, kích thước tiêu chuẩn của sân futsal là 20x40m), cầu thủ fulsal lái bóng, đi bóng có kỹ thuật riêng. Mặt cỏ tự nhiên thường lồi lõm với lớp cỏ dày mỏng có khác nhau (đôi chút), mặt sân futsal trên sàn gỗ, rất phẳng và việc xử lý bóng như nhận bóng, hãm bóng, rê bóng, lái bóng, chuyền bóng… bằng "phần dưới của giày" (gầm giày) vô cùng quan trọng, giúp cho cầu thủ làm chủ trái bóng và triển khai các miếng phối hợp kĩ thuật hiệu quả. Do gầm giày có một bề mặt lớn hơn bất kỳ khu vực nào của bàn chân (mu, má trong, má ngoài) nên mọi thao tác kỹ thuật là đa dạng, uyển chuyển và chính xác hơn nhiều. Ta thấy nhiều cầu thủ futsal trên thế giới có kỹ thuật xử lý bóng, "vờn" bóng bằng gầm giày điêu luyện đến mức cứ như ảo thuật gia điều khiển trái bóng vậy.
Nhưng, như đã nói, do đặc thù sân bãi mà cầu thủ đá sân cỏ 11 người lại coi những kỹ năng điều khiển bóng bằng gầm giày không phải là kỹ năng quan trọng nhất. Giày của họ là giày đế đinh khá cao, chất liệu mềm dẻo thích nghi với việc điều khiển của chân. Tuy nhiên, những động tác "tắc bóng" phía sau (hoặc vào ngang) bằng cả 2 bàn chân khi tranh bóng là rất nguy hiểm, dễ gây rủi ro cho cầu thủ đối phương (thường gây chấn thương nặng, không ít cầu thủ phải giải nghệ từ những cú vào bóng ác ý như vậy).
Nói "vào bóng bằng đế giày" không sai nhưng nghe không thuận và không tạo ấn tượng lắm. Thế là kết hợp "gầm giày" trong tổ hợp "vào bóng bằng gầm giày" trở thành một "đặc sản" của giới bình luận bóng đá. Tuy nhiên, xét về mặt ngôn ngữ học, cấu trúc mang tính định danh này lại nằm ngoài các cấu trúc đồng dạng khác trong hệ thống.
Gầm bàn để sách, để chân
Gầm giày là để khi cần tắc ngang.
Tags