Khán giả Việt Nam vừa trải qua kỳ World Cup 2022 với những trận cầu vô cùng sôi động. Và chỉ hai ngày sau (20/12/2022), mọi người lại được thưởng thức những trận đấu trong khuôn khổ AFF Cup 2022, cũng hấp dẫn chẳng kém.
Nếu để ý, ta thấy, trong những trận đấu bóng quốc tế, khi cầu thủ đưa bàn vào lưới, bình luận viên thường hô to "goul! goul! goul!" với một ngữ điệu reo vui hết mức. Lúc ấy trọng tài sẽ chỉ tay vào chấm giữa sân, thừa nhận bàn thắng được ghi là hợp lệ.
"Goul" là cách phát âm của từ "goal" (viết theo tiếng Anh) giống như các bình luận viên tiếng Việt hô "vào!" (hoặc "dzô"). Vậy "goal" có phải là "vào" không? "Goal" đúng là tương đương với "vào" thật. Nhưng trong tiếng nước ngoài (cụ thể là tiếng Anh) thì từ "goal" lại có nhiều nghĩa hơn ta tưởng.
Từ này đã được Việt hóa cách đọc, được viết là "gôn". Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa như sau:gônd.+ [Fr: goal] d. [kng] khung thành.+ [A: golf] d. môn thể thao ngoài trời, người chơi dùng cây gậy dài để đánh quả bóng nhỏ vào chín hay mười tám lỗ trên sân cỏ, có tính điểm.
Như vậy, từ điển trên cho rằng "gôn" là phiên cách đọc của 2 từ (goal và golf). Một danh từ gốc Pháp và một danh từ gốc Anh với hai nghĩa khác nhau. Giải nghĩa (trong phạm vi một cuốn từ điển giải thích cỡ trung) như thế là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ hơn (về xuất xứ từ nguyên, về ngữ nghĩa) ta có thể có thêm những thông tin chi tiết khác về từ này.
"Gôn" trong tiếng Việt, trước hết là phiên âm một từ tiếng Anh, nhưng từ Anh này lại mượn qua tiếng Pháp. Cả tiếng Pháp và tiếng Anh đều viết là "goal" (nhưng đọc có khác nhau đôi chút). Từ "gôn" (goal, mà hiện nay đang được dùng phổ biến trong tiếng Anh) có các nghĩa sau:
1. (Được dùng trong hai môn: bóng đá và hốc-cây) chỉ"khung hình chữ nhật, gồm hai cột dựng thẳng với một xà ngang ở trên, đặt ở cuối sân bóng, làm mục tiêu cho các cầu thủ đưa bóng lọt vào để ghi điểm"."Gôn" cũng có nghĩa là "khung thành". Ví dụ: "Thằng Tấn loẻo khoẻo nhưng nhanh như một con mèo, dắt bóng luồn lách rồi khều ra hướng gôn Dền Thàng, làm cho Sình giữ gôn suýt vồ hụt" (tạp chí Văn học & Tuổi trẻ, 10/1997).
2. "Gôn"được cùng để chỉ" bàn thắng trong bóng đá" Ví dụ: "Bên nào được ba gôn thì ăn thưởng lão Dế này. Alê!" (Tô Hoài,Dế Mèn phiêu lưu ký)
3. "Gôn"còn được dùng chỉ "thủ môn, người giữ khung thành".
4. Nhưng lại có một từ "gôn"khác, phiên từ tiếng Anh là "golf". (Hiện nay, các bình luận viên VTV lại phiên là "gốp"). "Gôn"này cũng là danh từ, chỉ một trò chơi ngoài trời, trong đó cầu thủ đánh một quả bóng nhỏ, rắn vào lỗ, người chơi càng sử dụng ít cú đánh càng tốt, người sử dụng ít nhất sẽ là người thắng cuộc.
Ví dụ: "Thôi, chị cho em một ngàn này nữa thôi… Méc-xì chị. Thôi thế, chị ở nhà nhá, em đi đánh gôn nhá!"(Vi Huyền Đắc,"Kim tiền", 1937). Hoặc:"Họ đã rũ bỏ bộ quần áo kimônô truyền thống ăn mặc hiện đại hơn để phù hợp với các buổi tiệc tùng trong nhà hàng hay đánh tennis, chơi gôn với khách hàng"(tuần báo Quốc tế, 12/1997).
Một "gôn" của trái bóng da
Một "gôn" cũng bóng nhưng mà nhỏ hơn
Tags