Câu tục ngữ có hai vế điệp và đối nhau (lợn chuồng chái/ gái cửa buồng). Mỗi vế là một danh ngữ (ngữ mở rộng có danh từ làm trung tâm). Người đọc sẽ ngạc nhiên lấy làm lạ là 2 đối tượng đem ra bàn ở đây lại là “lợn” và “gái”.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Đem một cô gái (người thuộc phái đẹp, rất đáng trân trọng) để so sánh với “lợn” (một loại gia súc thuộc bộ guốc chẵn, mõm dài và vểnh, được nuôi lấy thịt và mỡ) quả là không lịch sự chút nào. Nhưng dân gian hình như muốn đem hai sự tình để nhận định một vấn đề, được cho là có nét gì đó tương đồng.
“Chái” ở đây là gì nhỉ? Đây là một “gian nhỏ lợp một mái, tiếp vào đầu hồi” mỗi ngôi nhà một tầng, cấp 4. Ở nông thôn xưa, vì điều kiện kinh tế, vật chất khó khăn, người ta thường làm nhà bằng các vật liệu đơn giản, sẵn có (cột kèo bằng xoan, tre, luồng; kèo, rui mè bằng tre; mái lợp bằng rạ hoặc lá tranh, lá cọ; tường trát vách hoặc đắp đất…). Nhà nghèo, ít người thì làm một gian hai chái, nhà khá hơn làm ba gian hai chái. Hai chái đầu hồi có mái chảy thấp xuống (so với nóc nhà). Làm thế tiết kiệm được nguyên vật liệu và tạo được sự kín đáo, chắc chắn, chống bão gió tốt hơn.
Chuồng chái là “gian chái làm liền ngay bên đầu hồi dãy chuồng nhốt gia súc”. Đó là gian có phần tách biệt, thường đón nhận được nhiều ánh sáng, thông thoáng, vì vậy mà nhốt gà lợn vào đó giúp cho người nuôi dễ quan sát. Chuồng chái hẹp, thường nhỏ hơn các gian khác, con gà, con lợn (heo) nhốt vào nom cũng to hơn, béo hơn, ấn tượng hơn.
Người ta nuôi lợn không chỉ lấy thực phẩm (thịt) phục vụ tự cấp tự túc mà còn để bán lấy lãi, chi dùng cho nhiều việc khác. Ở nhiều nơi, chuồng nuôi lợn được đầu tư, gia cố công phu: rộng rãi, chắc chắn, thoáng mát, sạch sẽ. Vì thế mới có câu tục ngữ “Ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ” (Thà nằm chuồng lợn (tuy không được tử tế, sang trọng gì) còn hơn chịu cảnh “chó nằm gầm chạn” (ở rể nhà bố vợ, mất tự do, khổ trăm bề).
Còn “gái cửa buồng” là một ngữ đoạn mô tả hình ảnh một cô gái nào đó đứng thấp thoáng ở cửa buồng (không gian của nhà được ngăn riêng ra cho kín đáo, riêng biệt trong ngôi nhà mình). Hẳn cô gái này còn trẻ, đang độ kén chồng nên thường không được tự nhiên, thoải mái trong các hành động (đi lại, nói năng khi có người lạ).
Về câu tục ngữ “Lợn chuồng chái, gái cửa buồng”, Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích là “Lợn được thả ở các gian chuồng chái thì con nào trông cũng bắt mắt; con gái mà chỉ nhìn thấy thấp thoáng ở cửa buồng thì cô nào trông cũng xinh hơn”.
- Chữ và nghĩa: Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi
- Chữ và nghĩa: Cơm sôi bớt lửa, vợ chửa bớt làm
- Chữ và nghĩa: Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng
Vế 1 (lợn chuồng chái) ta đã rõ rồi (nhốt lợn vào chuồng chái sẽ tạo ra ưu thế cho lợn khi quan sát, gia chủ sẽ thuận lợi trong việc mua bán). Theo ý đó mà suy thì vế 2 (gái (thấp thoáng) cửa buồng) cũng tự tạo nên một ưu thế riêng về hình thể. Con gái nhà ai đó, chưa chồng (hoặc cô dâu mới về nhà chồng) thường hay thẹn thùng e ấp, không bạo dạn khi khách khứa đến nhà, phải ngồi trong buồng rồi đôi lần đi qua đi lạichào hỏi, rót nước, mời trầu. Bóng cô nàng “lúc mờ lúc ảo” sẽ tạo nên một hình ảnh hấp dẫn với mọi người, nhất là cánh đàn ông. Nhan sắc cô qua “cặp mắt si tình” sẽ được nhân lên gấp bội nhờ cảnh “Bóng nga thấp thoáng dưới mành” đó.
Ngày nay, lợn nuôi tại gia đã giảm. Nhà cấp 4 với hai chái gần như ít xây dựng. Cảnh “lợn nhốt chuồng chái” cũng vì thế mà ít đi nhiều. Còn các cô thôn nữ cũng chẳng còn nhờ đến “cửa buồng e lệ” mà tạo dáng cho mình nữa. Câu tục ngữ chỉ còn là dấu ấn một thời đang dần đi vào xa vắng.
“Một bên lợn, một bên nàng
Đó là hình ảnh cho chàng kén duyên”
PGS-TS Phạm Văn Tình
Tags