Chắc nhiều người nhận ra ngay đây là câu thơ cuối cùng trong bài Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa, được viết năm 1970, theo thể lục bát, gồm 26 câu.
Tôi không có ý định phân tích bài thơ này dưới góc độ một người cảm thụ văn học (vì đã có nhiều nhà phê bình đã làm và làm quá tốt). Tôi chỉ nhân đọc câu thơ này để bàn một vấn đề liên quan tới cú pháp tiếng Việt: Từ "là" trong câu thơ trên được hiểu như thế nào?
Quay ngược thời gian một chút, giới Việt ngữ học những năm 1970 - 1980 đã có cuộc tranh luận sôi nổi về cấu trúc "danh + là + danh" (danh 1 + là + danh 2). Về ngữ pháp và ngữ nghĩa đều "lưỡng phân" thành 2 hướng hiểu.
Xét về mặt ngữ pháp, có một số nhà ngôn ngữ cho "là" đủ tư cách là vị ngữ, thành phần sau là bổ ngữ (VD: Cây xanh là lá phổi, thì chủ ngữ là "cây xanh", vị ngữ: "là", bổ ngữ: "lá phổi"). Nhưng sau đó, đã có người cho rằng (và được đa số hưởng ứng), phải xem toàn bộ tổ hợp "là + danh từ (hoặc danh ngữ) đứng sau" mới làm thành một vị ngữ (VD: Bố Tý là công nhân, thì chủ ngữ là "bố Tý", vị ngữ "là công nhân" ).
Đến đây, lại có 2 quan điểm về từ loại. Có người coi "là" chỉ là hư từ (vì không có nghĩa từ vựng). Nhưng có người lại cho rằng "là" là động từ (giống như "être" trong tiếng Pháp, "to be" trong tiếng Anh và "быть" trong tiếng Nga, với cách dùng, cách chia khác nhau như mọi động từ khác).
Mọi chuyện tưởng ngã ngũ, nhưng đến đây, một tranh luận đã nổ ra, liên quan tới ngữ nghĩa của tổ hợp "là + danh" (với vai trò vị ngữ): "là" biểu thị quan hệ bao hàm hoặc quan hệ đồng nhất.
Nguyễn Đức Dân cho rằng "là" trỏ quan hệ bao hàm. Bởi sau "là" chính là một đối tượng cụ thể, mà đối tượng cụ thể đó là "một phần tử (B) nằm trong một tập hợp (A)" (tức tập hợp đó bao hàm phần tử đang xét, ở đây Danh 1 bao hàm Danh 2). Nguyễn Đức Dân lấy ví dụ: "Tố Hữu là tác giả tập thơ "Việt Bắc" và cho rằng "tác giả tập thơ "Việt Bắc" là một danh xưng riêng của Tố Hữu (cũng như "Tố Hữu là tác giả tập thơ "Gió lộng", "Tố Hữu là tác giả tập thơ "Ra trận", "Tố Hữu là tác giả tập thơ "Máu và hoa"…).
Trong khi đó Trần Ngọc Thêm lại phản đối. Ông cho rằng "là" thể hiện cả 2 quan hệ bao hàm và đồng nhất, mà quan hệ đồng nhất mới là quan trọng. Đây là vấn đề liên quan tới cách dụng ngôn của người nói và người ta "có quyền đồng nhất bất cứ cái gì mà họ muốn": "Em chính là tất cả của riêng anh"; "Em sẽ là mùa Xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha" (Trịnh Công Sơn)…
Trở lại câu thơ trên: "Mẹ là đất nước, tháng ngày của con", ta thấy Trần Đăng Khoa đã tạo ra 2 vị từ: 1) "Mẹ là đất nước (của con)" và 2) "Mẹ là tháng ngày (của con)". Như vậy, theo anh, mẹ là tất cả "không gian rộng lớn, thiêng liêng = đất nước" và "thời gian bất tận = tháng ngày". Nói như thế mới thấy mẹ lớn lao, ý nghĩa thế nào đối với anh.
Có lẽ để hiệp vần (với "cấy cày") mà Trần Đăng Khoa mới có câu thơ tiếp theo này. Bởi thực tế, người ta có thể ví mẹ với nhiều hình ảnh khác (mà vẫn có ý nghĩa): "Mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con", "Mẹ là bầu trời", "Mẹ là niềm tin bất tận"… Nhưng rõ ràng, câu "Mẹ là đất nước, tháng ngày của con" là một câu hay xuất thần. Nó chốt lại một bài thơ không chỉ thể hiện tình cảm của người con đối với mẹ, mà còn là nỗi lòng, là lẽ sống, là quan niệm về giá trị lớn lao của người mẹ trong cuộc sống nói chung. Chính từ "là" góp phần làm nên hạt nhân ngữ nghĩa câu thơ. Nó mở hướng cho một cách hiểu.
Từ "là" định hướng cho ta
Quê hương, đất nước hay là ngày mai
Tags