Chữ và nghĩa: 'Móng nước biển khơi'

Thứ Tư, 03/07/2024 18:00 GMT+7

Google News

"Móng nước biển khơi" là ngữ đoạn (4 âm tiết) trong một câu thơ thuộc đoạn trích từ tập trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, vừa được đưa vào đề thi tốt nghiệp phổ thông năm 2024, môn Ngữ văn (thi sáng ngày 27/6/2024).

Theo yêu cầu (câu 2, mục II: Làm văn) thì thí sinh phải phân tích đoạn trích 18 câu trong đoạn "Đất nước" của trường ca này. (Từ câu "Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi" đến câu "Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ").

Đây là trường đoạn hay mà không chỉ học sinh, nhiều người đã đọc và thuộc. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn bàn một vấn đề nhỏ: Để cho học sinh đọc hiểu văn bản cho tốt, người chọn văn bản giới thiệu cần phải bổ sung điều gì?

Đó là phải xem xét để thêm các chú thích cho văn bản. Đối tượng tiếp nhận là học sinh phổ thông. Vậy các em phải đủ dữ kiện để hiểu văn bản. (Nếu thiếu hụt sẽ ảnh hưởng tới việc hiểu trọn vẹn bài đọc). Trong sách giáo khoa, các văn bản đưa vào làm tài liệu giảng dạy bắt buộc phải có chú thích (với một số lượng và dung lượng phù hợp).

Chữ và nghĩa: 'Móng nước biển khơi' - Ảnh 1.

Cá móng đâu buông câu đó - hình minh hoạ

Chú thích có thể là: 1) nêu xuất xứ (tác giả, tác phẩm); 2) giải thích, làm rõ các từ khó (từ cổ, từ Hán-Việt, từ ngoại lai không thông dụng, phương ngữ…); 3) mở rộng thông tin (nói thêm về địa danh, truyền thuyết, phong tục tập quán…)...

Người đọc là các em học sinh sẽ khó hiểu hoặc thiếu cảm thụ chính xác được văn bản nếu không có chú thích thỏa đáng (cụ thể là các từ xuất hiện trong văn bản).

Vậy trong trích đoạn thơ trên, có nội dung nào, từ ngữ nào cần phải làm rõ?

Trước hết, ta thấy có 2 ngữ đoạn đặt trong ngoặc kép ở 2 câu thơ: "Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"/ Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi". Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là người sinh ra ở Huế, đã mượn hình ảnh trong bài ca dao Bình Trị Thiên để lồng vào ý diễn đạt của mình:

         "Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi Bạc

         Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi

         Gặp nhau đây xin tỏ đôi lời

         Kẻo mai tê con cá về sông Vịnh con chim nọ đổi dời về non xanh".

         Như vậy, thông tin này (liên quan tới ca dao vùng miền) cần được chú thích xuất xứ. Trong sách giáo khoa, bài ca dao được dẫn toàn văn ở cuối bài. Tiếp đó, có một từ mà rất nhiều người không để ý, đó là từ "móng nước". "Con cá ngư ông móng nước biển khơi" nghĩa là gì? Bản thân tôi, bao năm qua, đọc đi đọc lại nhiều lần, thấy rất lạ, nhưng vẫn mặc nhiên chấp nhận, không tìm hiểu kỹ. Đến khi có bài thi vừa rồi, nhiều học sinh và phụ huynh hỏi, nhờ giải đáp thì tôi lúng túng, không trả lời ngay được.

         Vì ngờ ngợ và cứ đinh ninh đây là phương ngữ, tôi bèn hỏi 3 nhà ngôn ngữ, xuất thân từ miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên) là GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, PGS-TS Trương Thị Nhàn và PGS-TS Dương Hữu Biên cho rõ. Cả 3 vị đều khẳng định là phương ngữ và đưa ra 3 đáp án giải thích về từ "móng": 1) (cá) vẩy nước làm xao động (thấy móng nước là thấy cá); 2) chỉ hiện tượng cá trồi lên mặt nước để thở tạo ra những bọt nước (ngư dân dựa vào dấu hiệu đó để biết chỗ nào có cá); 3) có nghĩa như "đớp mọng", tức cá quẫy đạp làm tung nước lên (cũng là dấu hiệu có cá).

Chỉ đến khi bình tĩnh, tra các từ điển, tôi mới thấy từ này đã được thu thập và giải thích trong một số từ điển, đặc biệt đã có trong "Từ điển tiếng Việt", loại phổ thông (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), trong đó "móng" được  phân loại thành 2 trường hợp từ loại: Là danh từ và là động từ: Móng, d. bong bóng nhỏ do cá đớp trên mặt nước tạo thành (VD: Cá ăn móng); đg. [cá] đớp trên mặt nước tạo thành những bong bóng nhỏ (VD: Cá móng đâu buông câu đó).

         Chỉ có điều, từ "móng" mà ta đang xét ít xuất hiện trong giao tiếp toàn dân, nên đa số người đọc thấy lạ. (Rất có thể lúc đầu "móng nước" là phương ngữ, sau được toàn dân hóa. Tất nhiên, các em học sinh đọc đề thi (cũng như đã học bài này trong chương trình Ngữ văn) vẫn làm được bài theo ngữ cảm ngôn ngữ và cảm quan văn học của mình. Nhưng chắc là rất ít (thậm chí không có) thí sinh dừng lại phân tích (và phân tích thấu đáo) từ "móng nước" trong câu thơ này.

         Một từ đã có từ lâu

         Cần chú thích để hiểu sâu bài này.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›