Đó là một câu thành ngữ mà trong mọi từ điển đều giải nghĩa rất đơn giản.
Theo Từ điển thành ngữ Việt Nam (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, NXB Văn hóa Thông tin, 1992) câu này có nghĩa là: "Nói rất nhiều, kêu van suốt để nài xin (VD: "Đấy bác xem. Họ đã không nghe ra. Họ còn chửi mình nữa, Nói khan nói vã mà có mấy người theo" - Nguyễn Huy Tưởng)".
Còn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) thì giải nghĩa: "Nói hết lời, đủ cách, để cố thuyết phục, nài xin. (VD: Phải nói khan nói vã mãi người ta mới cho vay)"…
Ngữ nghĩa như vậy là khá tường minh và khi thành ngữ này có mặt trong giao tiếp mọi người nghe đều hiểu dễ.
Điều đáng quan tâm ở đây là sự xuất hiện của 2 thành tố "khan" và "vã" trong tổ hợp.
"Khan" trong Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) có nhiều nghĩa: 1. Thiếu hay không có lượng nước cần thiết (VD: Cánh đồng khan nước: Đồng ít nước; bừa khan: Bừa cạn; xào khan: Xào thức ăn mà chỉ có nguyên liệu sẵn, không đổ nước; ăn khan: Ăn với ít thức ăn…); 2. Không ngậm nước (VD: muối khan: Một loại muối đặc biệt, được sản xuất thông qua quá trình chưng cất nước biển hoặc nước mặn, để lại các tinh thể muối sau khi nước bay hơi); 3. Thiếu cái được coi là cần thiết (VD: Uống rượu khan: Uống rượu một mình với thức ăn đơn giản hoặc không có thức ăn).
"Nói khan" được hiểu là "nói vo, nói nhiều, không có sự hỗ trợ vật chất (nước uống chẳng hạn)"…
Với từ "vã", Từ điển tiếng Việt (đã dẫn), chia thành động từ và tính từ. Là động từ "vã" có các nghĩa: 1. Vốc nước vỗ nhẹ lên cho ướt toàn thể mặt (VD: Vã nước lên mặt cho tỉnh ngủ); 2. Toát ra, đổ ra nhiều (VD: Mồ hôi vã ra như tắm). Là tính từ, "vã" có các nghĩa: 1. [id] Đi lại trên bộ và không có phương tiện [thường là đường dài, vất vả] (VD: Đi vã hàng chục cây số); 2. [Nói năng] kéo dài mà không có nội dung, không có mục đích thiết thực (VD: Chuyện vã, chửi vã).
Nghĩa thứ 2 của tính từ chính là nghĩa được sử dụng trong thành ngữ "nói khan nói vã".
Như vậy ta thấy, về mặt cấu trúc, thành ngữ "nói khan nói vã" là sự kết hợp 2 tổ hợp từ: Nói khan + nói vã. Đó là 2 kiểu nói đặc thù mà khi chúng "hòa kết" với nhau, tạo nên ngữ nghĩa chung cho cả tổ hợp 4 âm tiết "nói khan nói vã". "Khan" xuất hiện trong các tình huống, như: Ăn khan, uống khan, nói khan, ngủ khan, rượu khan, xào khan… Còn "vã" xuất hiện trong các tình huống: Ăn vã, cãi vã, đi vã, nói vã… "Khan" và "vã" là 2 thành tố kết hợp hạn chế và thường dùng trong khẩu ngữ.
Hiện tại có tới mấy câu thành ngữ được coi là đồng nghĩa với "nói khan nói vã": Nói rã bọt mép, nói vã bọt mép, nói rát cổ họng, nói sùi bọt mép. Đó là những lối nói kéo dài, khó nhọc, cố thuyết phục người khác mà hiệu quả gần như không có:
Nói khan nói vã cả ngày
Mà anh chàng vẫn mặt dày không nghe…
Tags