"Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Vế đầu tiên của câu tục ngữ rõ ràng là nói về cảnh giàu có.
Dĩ nhiên, người giàu là người có nhiều của cải (nhà cửa, tiền bạc, đồ dùng các loại…) nhưng việc chọn hai sự vật điển hình (ruộng và trâu) làm biểu trưng cho sự giàu là một sự lựa chọn rất đắc dụng. Bởi lẽ, nhà nông nào mà chẳng cần đến ruộng đất và trâu bò - những tư liệu sản xuất cơ bản, có giá trị lớn, quyết định đến việc làm ăn của họ.
Ruộng sâu ở đây là có ruộng nhiều, ruộng lớn ("ruộng cả ao điền"). Trâu nái là trâu cái trưởng thành đến độ sinh đẻ, có khả năng cung cấp thêm nhiều trâu con. Trâu bò đó là nguồn sức kéo vô cùng cần thiết. Nhiều người biết, với nhà nông, "con trâu là đầu cơ nghiệp". Ngày xưa, có được con trâu nhốt trong chuồng đâu có dễ? "Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy đều là khó khăn".
Ấy thế mà cả cái gia tài cơ nghiệp lớn lao đó lại chẳng nghĩa lý gì nếu đem so với "con gái đầu lòng". Đặt trong bối cảnh ngày xưa khi còn bị chi phối mạnh bởi quan niệm cổ hủ "trọng nam khinh nữ" thì câu này có ý nghĩa gì?
Có người cho rằng, với những tục lệ cưới cheo khắt khe ngày xưa, các ông bố bà mẹ trước khi gả chồng cho con thường được quyền "đặt giá" nói thách khá nặng (lợn gà, cau rượu, gạo nếp…). Nhà trai nào khấm khá còn đỡ, chứ phải nhà nghèo khó mà lo cho ổn xem chừng cũng méo mặt đấy. Trai nghèo ế vợ như chơi. Con gái yêu được ông bố tự hào gọi là "con gái rượu". Con đầu cháu sớm lại càng phải làm sao cho xứng danh với làng nước chứ!
Nhưng lại có ý kiến cho rằng, câu tục ngữ này muốn nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của cô con gái cả. Thường thì công việc trong một gia đình có nhiều, khi có con lại càng nhiều. Và dù bà mẹ kia có đảm đang đến mấy thì cũng rất cần có thêm người để san sẻ, đỡ đần. Ông bố là chủ sự gia đình phải lo việc lớn hơn, nặng nhọc hơn (làm lụng cấy cày để nuôi cả nhà). Vì vậy, có cô con gái lớn là một chỗ dựa rất quan trọng. Con gái vốn chịu thương chịu khó, biết lo toan thu vén các công việc gia đình.
Ở nông thôn ngày xưa, một bé gái qua tuổi 15, tóc bỏ đuôi gà là đã có thể quán xuyến rất nhiều công việc: Từ việc nông trang "đồng trên ruộng dưới" đến việc nhà "bèo rau cám bã"… Cô nghiễm nhiên trở thành "cầu thủ dự bị" sẵn sàng vào "sân" thay mẹ trong nhiều công việc gia đình. Cấy hái, xay giã, chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… cô đều làm ngon lành. Thậm chí, nhiều lúc cô còn hơn cả mẹ ở sức trẻ xốc vác và dẻo dai. Thế là cô trở nên hậu phương vững vàng để bố mẹ toàn tâm toàn ý vào công việc làm ăn. Ồ, lúc này thì đến lượt làng nước phải trầm trồ nể trọng và các chàng trai cũng bắt đầu nhìn cô mà thầm ước về một nàng dâu hiền thảo.
Dĩ nhiên, thời thế ngày nay có khác đôi chút rồi. Nhưng khác gì thì khác, vai trò tề gia nội trợ của các chị gái vẫn rất cần và luôn được khẳng định như một lẽ thường qua đời này đời khác. Ngay cả trong các gia đình đô thị tiện nghi, nhiều ông bố bà mẹ cũng tỏ ra rất yên tâm khi về già có cô con gái đã lấy chồng nhưng ở gần bên cạnh. Đành rằng, có con trai vững vàng và con dâu chăm chút. Con dâu cũng cần, nhưng đó là cái cần của bổn phận. Con gái giúp cha mẹ nhiều thứ. Và nói gì thì nói, với con gái thì bố mẹ dễ tìm được sự đồng cảm, sẻ chia hơn.
Nói như vậy, không phải để lấy lòng phái đẹp, mà coi nhẹ phái nam. Đàn ông có những ưu thế không ai dám phủ nhận. Nhưng tạo hóa vốn công bằng khi ban cho mỗi người một thiên chức ("Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" mà). Thiết tưởng chúng ta cũng nên thấu hiểu điều này mà cùng chung sống sao cho phải lẽ.
"Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Chuyện ngày xưa đã thế và bây giờ vẫn vậy.
Chỉ là một cách nói thôi
Con nào cũng phải nên người mới hay!
Tags