Chữ và nghĩa: 'Chè hâm lại, gái đưa đò'

Thứ Tư, 23/02/2022 07:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc mọi người đã quen với câu tục ngữ “Chè hâm lại, gái ngủ trưa” (hay “Chè hâm lại, gái ngủ ngày”). Ngữ nghĩa được Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích là “Chè (tươi) đã phải hâm lại thì còn ngon sao được nữa; con gái đã mắc tật ngủ trưa thì còn ai mà dám cưới về”.

Chữ và nghĩa: 'Nhà nghèo hay con thảo, nước loạn biết tôi trung'

Chữ và nghĩa: 'Nhà nghèo hay con thảo, nước loạn biết tôi trung'

Chúng ta từng biết câu tục ngữ “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.

Thực ra, câu tục ngữ này, mượn chuyện “chè hâm lại” (chè đã uống qua ít nhất một nước, lại đổ nước vào đun tiếp thì chất lượng giảm hẳn, không còn ngon nữa) để chê bai những cô gái lười nhác, có tật ngủ dậy muộn (ngủ trưa). Dân gian có câu: Đời người ngắn tựa gang tay/ Những ai ngủ ngày còn có nửa gang.

Nhưng còn một biến thể nữa: “Chè hâm lại, gái đưa (bến) đò”. Đã có sự thay đổi vế thứ 2 kéo theo sự thay đổi về ngữ nghĩa.

Đưa đò, chèo đò (thường qua sông, qua suối, đò ngang là chủ yếu nhưng cũng có đò dọc) là một nghề khá phổ biến.Khi cần vượt qua sông sang một vùng lân cận, muốn quá giang ta phải cần đến bến đò (“đò”: thuyền nhỏ chở khách qua sông theo những tuyến nhất định). Ngày xưa, đường sá chưa phát triển thì chuyện đi đò ngang, đò dọc là rất phổ biến. Nghề chèo đò rất phát triển, nhất là vào mùa mưa lũ.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Dân gian có câu tục ngữ “Bến đò, lò rèn” với hàm ý: Bến đò, lò rèn (nơi chế tạo các dụng cụ bằng kim loại (sắt, thép, gang) phục vụ cho nhà nông bằng phương pháp thủ công) là những nơi tụ họp nhiều người lui tới. Do đặc thù lao động, những ông thợ rèn thường ăn nói cục cằn, thô lỗ hay văng tục và thích nói tục. Đã thế lại được nhiều khách vãng lai lui tới, hùa theo hoặc góp thêm những câu chuyện tầm phào, tục tĩu.

Còn những người chèo đò, gặp nhiều hạng khách tứ xứ, có khách hiền lành tử tế, nhưng có nhiều khách buôn bán hay thuộc diện “anh chị”, sẵn sàng quỵt tiền gây gổ. Thế là những người lái đò trở nên nóng nảy, hay cáu bẳn, ăn nói văng mạng, sẵn sàng đấu khẩu, thậm chí “đấu cả cọc chèo” với khách.

Không ít cô gái trẻ làm nghề này cũng nhanh chóng nhiễm tính xấu đó. Từ chỗ nhu mì, hiền hậu, các cô nhanh chóng “đổi màu”. Thế rồi lâu dần tính tình họ trở nên đáo để, đanh đá, lỗ mãng. Họ đã hình thành một tính cách “khác người” do hoàn cảnh và cũng để thích nghi với thực tế công việc (mình không đáo để, thiên hạ dễ bắt nạt mình sao).

Với tính cách như vậy, các cô gái đưa đò được xếp vào diện “khó chơi”. Họ không phải là người hiền dịu, nết na, thuần tính như những trang nữ nhi truyền thống. Và dĩ nhiên, trong con mắt người đời, họ không thể là đối tượng lý tưởng để kén chọn nàng dâu.

Dĩ nhiên đó là những quan niệm của một thời thôi. Ngày nay, người phụ nữ làm nghề đưa đò cũng có người nọ người kia như bao người.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›