Chữ và nghĩa: Thiết yếu

Thứ Tư, 11/08/2021 06:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, dư luận tự nhiên dậy sóng vì những tranh luận liên quan tới từ “thiết yếu”. Cũng bởi, một số cán bộ (thuộc cơ quan chức năng, thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội) đã xử lý một số người ra đường “không có lý do chính đáng” vì đi mua sắm nhiều mặt hàng không được gọi là “thiết yếu”.

Chữ và nghĩa: Giải cứu

Chữ và nghĩa: Giải cứu

Vừa qua, cả nước đã hăng hái vào chiến dịch "Giải cứu nông sản Hải Dương".

Chẳng hạn, ngày 18/7/2021, anh Trần Văn E. đã bị Đoàn công tác liên ngành phường Vĩnh Hòa (Khánh Hòa) xử phạt do đi mua bánh mì.

“Thiết yếu” là một từ Hán Việt có 2 thành tố: “thiết” và “yếu”. Thiết là âm đọc của nhiều chữ Hán chứ không phải chỉ 1. Ví dụ: 1) thiết 鉄, có nghĩa là “sắt” (trong thiết giáp); 2) thiết 設, có nghĩa “sắp đặt bày biện” (trong thiết kế, thiết lập); 3) thiết 窃, có nghĩa là “trộm” (trong tiểu thiết - tên trộm) và 4) thiết 切, có nghĩa “gần gũi, thân thiết” v.v…

Yếu (要) có mấy nghĩa: 1) quan trọng (trong yếu điểm, yếu lĩnh, yếu nhân); 2) cần, cần thiết (trong nhu yếu, thiết yếu, nhu yếu phẩm).

“Thiết” trong “thiết yếu” (mà hiện ta đang dùng) ở nét nghĩa 4 (gần gũi, thân thiết, cần).

Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải thích: thiết yếu 切要 t. 1. [cũ, id] [cách nói] có vẻ rất thiết tha và quan trọng (VD: “Nghe mấy lời thiết yếu em than, Mau mau trỗi dậy ruột gan đau từ hồi” (Ca dao); 2. rất cần thiết và không thể thiếu được, nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống (VD: “Bây giờ, chỉ có cái xẻng là vật thiết yếu nhất, để khi bị sập hầm thì may ra có thể tự mình moi đất mà ngoi lên”(Triệu Bôn).

Thiết yếu, Thiết yếu là gì, Nghĩa của từ Thiết yếu, Hàng hóa Thiết yếu, hàng Thiết yếu
Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cứ theo từ điển mà suy thì cái gì sẽ được gọi là “hàng hóa thiết yếu” đây?

Khoản 3, Điều 4 Luật Giá (ban hành năm 2012) có giải thích cụm từ "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" là “những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

Trong khi đó, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đến nay, chỉ có công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16, nêu một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Dựa trên hướng dẫn này, mà từng địa phương sẽ đưa ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết.

Hiểu “thiết yếu” là như vậy, nhưng cơ quan chức năng cũng chưa có một “danh sách cứng” cho những hàng hóa thiết yếu. Vì vậy hiện tại, nhiều địa phương tự đưa ra quy định như sau:

“Hàng hóa thiết yếu”: a) Thực phẩm tươi sống, gồm thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng)...; b) Hàng công nghệ phẩm: Bánh kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật. Sữa các loại, mì gói. Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng...; c) Lương thực: Gạo, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột)...

Các nhu yếu phẩm cần thiết khác, như thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, khẩu trang, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh, sản phẩm dùng rửa tay, tắm giặt, gội... Nguyên, nhiên vật liệu như xăng, dầu, gas, khí đốt...

Như vậy, ta thấy số lượng hàng hóa thiết yếu được thống kê là khá nhiều. Có một “mẫu số chung” nhưng lại có “mẫu số riêng” cho những hàng ấy. Điều này thật khó cho người tiêu dùng và đặc biệt là những người thi hành công vụ.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›