Thứ tự (trật tự) ABC, hoặc thứ tự bảng chữ cái là cách nói, chỉ "thứ tự một bảng chữ cái của một ngôn ngữ nào đó". Đó là "tập hợp tất cả các chữ cái có trong một ngôn ngữ, được sắp xếp theo một trật tự nhất định" - Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020.
Mỗi ngôn ngữ dùng một hệ chữ viết riêng. Phần lớn các hệ thống chữ viết hiện nay đều xây dựng trên cơ sở hệ chữ Latin, hệ chữ Slav-Kirin, hoặc hệ chữ Hy Lạp… Số lượng đơn vị trong bảng chữ cái của mỗi ngôn ngữ cũng khác nhau. Bảng chữ cái Latin có 26 đơn vị. Tiếng Anh, tiếng Pháp là 26. Tiếng Hy Lạp 24. Tiếng Nga 33 và tiếng Việt của ta là 29 chữ (bao gồm: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y).
Bảng chữ cái viết theo tiếng Anh là Alphabet (ghép hai chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp là "Alpha (Αλφα = A, α)" và Beta (Beta = B, β). Hệ thống chữ cái được ra đời trên cơ sở hệ thống âm vị học của mỗi ngôn ngữ và về cơ bản, khi thống kê, thứ tự các bảng chữ cái (theo mẫu tự Latin hoặc Slav…) đều xếp hai chữ a và b đứng đầu (rồi đến các chữ khác). Sở dĩ bảng chữ cái Việt so với bảng chữ cái Latin nhiều hơn 3 chữ (29 so với 26) là vì ta đã thêm 7 chữ (7 âm vị) (ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư) và bỏ 4 chữ (f, j, w, z). Đây là vấn đề mà bài viết muốn bàn, liên quan tới cách sử dụng bảng chữ cái trong cuộc sống đời thường.
Bây giờ, theo dõi các cuộc thi vẫn được tổ chức khá nhiều và đều đặn hàng năm (như các cuộc thi báo chí, hàng hóa, sản phẩm…) ta thấy việc xếp loại thường theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Anh: giải A, giải B, giải C. Như thế, chữ cái Ă, Â đương nhiên bỏ qua (giải A đến giải B, giải C). Thường cũng không có giải D, giải Đ, mà chuyển sang giải Khuyến khích ngay.
Số ghế trên máy bay (của các hãng hàng không Việt Nam), số ghế trong nhà hát hoặc số ghế trên sân vận động cũng sẽ bỏ qua các chữ cái ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư (chỉ có hàng ghế A mà không có hàng ghế Ă, Â; chỉ có hàng ghế D mà không có Đ; cũng như vậy, có hàng ghế O mà bỏ qua Ô, Ơ…). A, Ă, Â được xếp vào "vần A", Ê được xếp vào "vần O" và Ô, Ơ được xếp vào "vần O". Hiện tượng "Latin hóa", "Anh hóa" chữ cái Việt này lan sang cả lĩnh vực tên riêng (khi người nước ngoài dùng và người Việt cũng làm theo) nhất loạt bỏ 7 chữ cái đang có trong tiếng Việt (ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư) và các thanh điệu trong tên người Việt.
Những cái tên như An, Án, Ân, Ẩn, Ấn sẽ được viết là "An"; Anh, Ánh, Ảnh là "Anh"; Phương, Phường, Phượng, Phuông viết là "Phuong". Thỉnh thoảng ra sân bay, ta vẫn thấy loa ở đó gọi: "Máy bay số hiệu XX 2430 sắp khởi hành, xin mời hành khách Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Văn Hiện… khẩn trương ra cửa làm thủ tục". Thực ra đó chỉ là một người, nhưng vì cái tên "Nguyen Van Hien" trong danh sách hành khách (không đánh dấu thanh) kia sẽ ứng với mấy cái tên Việt (nên đành phải gọi cho đủ mọi khả năng nếu không sẽ bỏ sót).
Lại nữa, trong những danh sách đề cử, hoặc danh sách khen thưởng của đơn vị nào đấy, về nguyên tắc là phải xếp theo thứ tự ABC, thì có nơi lại tùy tiện xếp theo ý của ban tổ chức. Những nhân vật được coi là VIP thường được xếp lên đầu, tiếp sau là những vị có "tầm quan trọng giảm dần". Cái khó là có nhiều nhân vật đều ở mức "tầm tầm bậc trung", ngang ngang nhau thì xếp thứ tự thế nào là rất khó. Thành thử, chính sự tùy tiện này làm ảnh hưởng tới không khí các cuộc họp (hoặc sự kiện). Cách xử lý hợp lý nhất là theo thứ tự ABC.
Còn trong trường hợp ban kiểm phiếu công bố kết quả bỏ phiếu thì có thể theo hai bước: 1) bước một công bố số phiếu của tất cả những người được bầu (theo thứ tự ABC); 2) bước hai công bố những người được chọn lựa, xếp theo thứ tự phiếu từ cao xuống thấp.
Xếp theo thứ tự ABC chính là một cách xử lý đơn giản, văn minh và công bằng trong mọi trường hợp.
Cùng là tên gọi như nhau
Mà sao mình lại xếp sau thế này?
Tags