"Từ từ đã!", "Gượm đã!", "Uống nước đã!" là những câu quen thuộc được dùng trong giao tiếp khẩu ngữ tiếng Việt.
Đây là mấy đoạn đối thoại mà ta thường gặp:
* Hai mẹ con:
- Con ra ăn sáng rồi còn đi học.
- Con đánh răng đã!
* Hai bà thợ cấy:
- Gần trưa rồi. Ta cấy nốt thửa này nhé!
- Nghỉ cái đã!
* Hai người bạn:
- Cậu định bao giờ làm nhà?
- Chưa đâu! Lấy vợ đã!
"Đã" trong cấu trúc "A + đã" có nghĩa "cần phải làm điều A trước khi làm điều B". B là công việc, hành động mà ai đó cần thực hiện (ở ví dụ trên là đi học, cấy lúa, lấy vợ), nhưng công việc (được chấp nhận làm) này chỉ được thực hiện sau khi làm cho xong một công việc khác (mà người nói cho là nên làm, phải giải quyết trước): Ăn cơm đã! (Phải ăn cơm để có sức làm việc tiếp); Làm xong cốc bia đã! (Sẽ ăn, nhưng cứ phải uống hết cốc bia); Từ từ đã! (Việc gì mà phải vội, trước khi làm việc này hoặc trước khi cần phải tăng tốc thì hãy cứ nhẩn nha, từ từ (để làm một việc cần hơn).
Khi đưa ra phát ngôn "A đã", người nói có hàm ý: Việc B sẽ làm, nhưng chưa thực gấp lắm và để cho chu đáo, trọn vẹn, cần thiết phải làm việc A. Còn "từ từ" là một tính từ, chỉ sự "thong thả, chầm chậm".
Khi cô vợ nói với chồng "Anh nhớ cho con uống thuốc sáng nay nhé!" mà anh chồng nói "Từ từ đã!" thì như vậy, anh đồng ý việc cho con uống thuốc (như chỉ định, kẻo bệnh không thuyên giảm). Tuy nhiên, đằng sau phát ngôn "Từ từ đã!" (tạm trì hoãn việc cho con uống thuốc) có thể có những lý do, chẳng hạn: 1) để theo dõi thêm (con đang có dấu hiệu khác thường, không nên cho uống thuốc ngay, không lợi); 2. "anh" đang bận (trước sau thì con cũng uống đúng quy định, đừng lo); 3. thuốc này không đảm bảo (quá hạn hoặc bác sĩ kê đơn chưa chuẩn), v.v..
Sẽ có người nói rằng, "đã" là từ chỉ hành động đã qua, tức thời quá khứ; chẳng hạn: Nó đã đi Hà Nội; Cô ấy đã lấy chồng (và đã có con), Đội tuyển Việt Nam đã vào chung kết SEA Games; "Đã nghe gió ngày mai thổi lại/ Đã nghe hồn thời đại bay cao" (Tố Hữu)… Nhưng đây lại là vấn đề liên quan đến nét nghĩa khác của "đã" (ý quá khứ, phân biệt với "đang" chỉ hiện tại và "sẽ" chỉ tương lai).
Đa số giới Việt ngữ học đều cho rằng tiếng Việt không có phạm trù thời, dù rằng khi dùng với dụng ý nói về thời gian diễn ra của sự kiện nào đó. Các phó từ "đã, đang, sẽ" chỉ dùng với ý nhấn mạnh "sự tình A từng xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra".
Ví dụ, ta có câu: "Việt Nam đã, đang và sẽ ủng hộ Cuba" thì câu này có hàm ý khẳng định "(Nhân dân) Việt Nam từ trước đến nay và sau này nữa luôn luôn ủng hộ Cuba". Ngoài ra, "đã" còn thể hiện ý "hiện tượng đang nói đến xảy ra trước hiện tại hoặc trước một thời điểm nào đó được xem là mốc, trong quá khứ hoặc tương lai." (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020); ví dụ: Hai mươi tuổi mà cô ấy đã hai con; Tuần sau đã lập hạ rồi; Bảy năm nữa đã sang thập niên thứ tư của thế kỷ 21;…
Chỉ một hư từ "đã" thôi mà rắc rối hơn ta tưởng. Nếu chàng trai xưa nghe trả lời của cô gái trong mấy câu ca dao "Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?/ Đan sàng thiếp cũng xin vâng/ Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng!" thì chàng sẽ ngầm hiểu ý của nàng là: "Em đồng ý nhận lời làm vợ chàng", nhưng "chàng cố gắng chờ đợi một thời gian nữa", vì theo lẽ thường, "tre non chưa thể đan sàng được" (chuyện hai ta chưa tới độ chín cần thiết).
Chuyện chúng mình sẽ xong thôi
"Từ từ đã" mọi việc rồi sẽ qua
Tags