(Thethaovanhoa.vn) - “Chúc Tết” tức là chúc mừng nhau nhân dịp Tết. Người ta có thể quên một việc gì đó (như quên “sắm Tết” hoặc quên “chơi Tết”) nhưng gặp gỡ và chúc tụng nhau nhân dịp Tết thì chắc chắn là không ai có thể quên được.
Tết nhất gặp nhau, lời chúc cũng như lời chào. Mà lời chào với người Việt là rất quan trọng, nó “cao hơn mâm cỗ” kia đấy. Lời chào là cử chỉ làm quen, bày tỏ một thái độ thiện chí, mở ra những mối quan hệ vốn không thể thiếu trong cuộc sống mỗi cộng đồng. Nhưng lời chúc Tết không chỉ là một lời chào. Nói cao hơn hành vi chào hỏi ở tâm nguyện sâu xa từ cả 2 phía: Người chúc và người được chúc.
Theo quan niệm dân gian, khoảng thời gian lúc 12h đêm 30 Tết (chuyển sang ngày mồng 1 đầu năm mới) là một khoảnh khắc rất thiêng liêng. Đó là giờ phút Giao thừa. Là sự “bàn giao và tiếp nhận” của trời đất do một vị thần (gọi là ông Hành Khiển) chịu trách nhiệm thực hiện. Lúc đó ông Hành Khiển đi từng nhà. Nhưng vì vội nên ông không vào trong nhà ai cả. Gia chủ sắm sửa lễ cúng (xôi thịt, bánh trái, hương hoa, vàng mã, rượu...) và đặt lộ thiên giữa trời và đất. Có sự chứng giám của ông Hành Khiển, công việc chuyển giao giữa 2 vị thần coi như hoàn tất.
Từ giờ khắc đó, mỗi gia đình đón nhận cuộc sống với ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Người nào ở ngoài đến nhà sau Giao thừa được coi là người “xông đất” gia chủ. Người xông đất giữ một sứ mệnh rất quan trọng. Theo quan niệm, họ có thể đem đến điều may mắn tốt lành hoặc điều “xung” bất lợi. Mà chuyện này phụ thuộc rất nhiều vào giới tính (đàn ông hay đàn bà?), tuổi tác (cầm tinh con gì, có bị “xung” không?), đặc điểm thực tế (bình thường hay đang có họa, như chịu tang ai nhất là đang đại tang...).
Nhưng bất luận thế nào, người đầu tiên đến nhà cũng phải có lời chúc Tết gia chủ: “Năm mới, chúng tôi (chúng em, chúng con, chúng cháu) xin chúc gia đình ta mạnh khỏe, làm ăn tấn tới, con cháu phát đạt, tài lộc dồi dào...”. Lời chúc ấy coi như được “vận” vào người được chúc. Cho nên người ta rất thận trọng khi chọn lựa. Nếu không, rất có thể sẽ “rông” cả năm: Làm ăn không ra gì, sức khỏe sút giảm, gia đình lục đục...
Không hiếm các gia đình “kén” người xông đất. Họ phải “com-măng” (tiếng Pháp, commande: đặt hàng) trước với những ai hợp tuổi, không có “dớp” gì, tính tình vui vẻ phóng khoáng, làm ăn thành đạt... Nếu không, “đen” cả năm chưa biết chừng. Vớ phải người vía xấu, gia chủ rất áy náy, đứng không yên ổn ngồi không vững vàng cả năm như chơi. Và cũng chính vì vậy, nhiều người ngại và tránh, không muốn “lĩnh ấn tiên phong” đi chúc Tết trước.
Ta thấy sáng mồng 1 Tết, làng quê phố xá nói chung đều vắng: Phần vì người ta ngủ muộn sau đêm đón Giao thừa vất vả. Phần vì còn lo cúng gia tiên sáng đầu năm (Nguyên đán). Nhưng phần cũng có ý nấn ná đợi cho khách khứa đến chúc Tết chủ nhà rồi mới mạnh dạn vào. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà. Đầu năm mới, cứ tự nhiên xồng xộc vào chúc Tết “bừa” nhà người ta, nhỡ không may nhà họ sau đó có điều gì, vía xấu có khi mình phải đeo mãi ấy chớ!
Chúc Tết thì ai cũng chúc được, nhưng chúc sao cho phải là cả một vấn đề. Chúc Tết, hiển nhiên là phải bắt đầu từ lời nói.
Còn chúc thế nào ư? Cũng thiên hình vạn trạng. Thường thì người ta chúc nhau sức khoẻ “trăm tuổi bạc đầu râu”, chúc nhau nhiều con cái đề huề, chúc nhau làm ăn phát đạt giàu có, và rồi chúc nhau “thăng quan tiến chức”, danh vọng đem lại nhiều bổng lộc. Ta thường nghe “Chúc hai bác mạnh khoẻ, làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái”, “Chúc anh chị năm nay nhanh có cháu bế (với ai mới xây dựng gia đình)”, “Chúc ông bà năm nay có cháu nội nối dõi tông đường (với gia đình có con trai nhưng chưa có cháu đích tôn)”, “Chúc bác sang năm tới lo xong chuyện nhà cửa mà an cư lạc nghiệp... Trong những lời chúc, ta thấy thấp thoáng nguyện vọng của gia đình được chúc. Đó là những tâm tư, mong muốn thiết thực mà mọi gia đình đang hướng tới. Người chúc cũng bày tỏ ước muốn đó chóng được thực hiện. Đó cũng là một điều hay trong phong tục dân gian ta.
Lời chúc tuy đơn giản, quen thuộc, có khi nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần, năm này qua năm khác nhưng không phải vì thế mà bớt thiêng. Hãy chúc những gì thật cụ thể, đúng với khả năng và đúng bản chất của cuộc sống. Và trong lời chúc, ta thể hiện được mong muốn chân thành của mình nhân dịp đầu năm mới.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Tags