Chùa Keo (Thái Bình) đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Chủ nhật, 29/10/2017 22:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 29/10, tại Khu di tích lịch sử Chùa Keo (thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Vũ Thư đã tổ chức khai mạc lễ hội chùa Keo và đón nhận bằng ghi danh lễ hội chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu của lễ hội Chùa Keo đã được lưu giữ hàng trăm năm qua. Thứ trưởng đề nghị thời gian tới tỉnh Thái Bình cần sớm hoàn thành đề án bảo vệ và phát triển di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia lễ hội Chùa Keo.

Ban quản lý di tích và chính quyền huyện Vũ Thư triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý dịch vụ, cảnh quan, môi trường khu di tích, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá những giá trị, nét đẹp của lễ hội đến du khách gần xa.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cần tăng cường tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hoá và nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội. 

Chùa Keo (Thái Bình)
Chùa Keo (Thái Bình)

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, gồm hai cụm kiến trúc: chùa thờ Phật và Đền thờ Thánh Dương Không Lộ.

Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, Phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), gia đình vốn làm nghề chài lưới.

Ông đi tu từ năm 29 tuổi. Năm 1060, ông sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam.

Thiền sư Dương Không Lộ đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Mãi đến năm 1632, chùa mới được xây dựng lại. 

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Hiện nay, Chùa Keo có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá…

Năm 2012, chùa Keo đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. 

Tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ và những người có công xây dựng, hàng năm Chùa Keo tổ chức hai kỳ lễ hội: Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch và hội thu từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Chín âm lịch với nhiều hoạt động được tổ chức theo nghi thức truyền thống như tế lễ Phật, Thánh và các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi mang đậm tính chất dân gian như thi kéo co, thi têm trầu cánh phượng, bịt mắt đánh trống….

Đặc biệt, tại lễ khai mạc hội thu năm nay có chương trình nghệ thuật sử thi “Huyền diệu chùa Keo Thái Bình” với sự tham gia biểu diễn của 200 diễn viên, quần chúng, tái hiện tích sử về thiền sư Dương Không Lộ. Lễ hội chùa Keo sẽ diễn ra đến hết ngày 3/11/2017. 

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, ngày 23/1/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 217 ghi danh lễ hội Chùa Keo (Thái Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Như vậy, đến nay tỉnh Thái Bình có 6 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm lễ hội đền Trần, lễ hội đền Tiên La (huyện Hưng Hà), lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền A Sào và lễ hội đền Lộng Khê (huyện Quỳnh Phụ) và lễ hội chùa Keo (huyện Vũ Thư).

'Thảm họa' tôn tạo di tích quốc gia: Sẽ dỡ bỏ công trình trái phép

'Thảm họa' tôn tạo di tích quốc gia: Sẽ dỡ bỏ công trình trái phép

Trong diễn biến mới nhất, UBND huyện Thanh Oai đã thừa nhận sai phạm trong việc tôn tạo di tích quốc gia chùa Sổ và bày tỏ quan điểm sẵn sàng cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm.

 

Thu Hoài (TTXVN)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›