(Thethaovanhoa.vn) - Quan tâm, và từng có nhiều nghiên cứu về các hiện tượng ngôn ngữ mới nảy sinh trong đời sống hiện tại, PGS ngôn ngữ Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư VN) cùng Thể thao & Văn hóa Cuối tuần nhìn lại vấn đề này trong năm 2015.
* Năm 2014, việc giới trẻ ưa chuộng cụm từ “đắng lòng” đã từng khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Trước đó một năm, cụm “có một sự… không hề nhẹ” cũng là một thứ “mốt” được sử dụng mọi nơi, mọi lúc. Nếu so sánh, có vẻ trong năm 2015, đời sống ngôn ngữ chưa có thêm những “trào lưu” kiểu này?
- Thực ra, 2 cụm từ ấy chỉ là những ví dụ nổi bật nhất trong hàng loạt cụm từ được mới hóa, hoặc lạ hóa, trong những năm gần đây. Chúng ta hãy cứ tạm gọi hiện tượng này bằng khái niệm “ngôn ngữ thời đại”. Và những người trước tiên sử dụng, truyền bá những “ngôn ngữ thời đại” ấy luôn là giới trẻ - vốn là đối tượng thích sự khác biệt, thích gây ấn tượng, đồng thời lại có thế mạnh trong việc sử dụng công nghệ để thể hiện mình.
Quả thực, như tôi cảm nhận, dòng chảy ấy trong năm 2015 không có nhiều đột biến. Nhưng, nhịp sống hiện đại vốn dĩ có khá nhiều áp lực và luôn cần sự giải tỏa, tếu táo qua con đường trực tiếp nhất là ngôn ngữ. Bởi vậy, xu hướng phá cách, biến tấu về ngôn ngữ ấy vẫn sẽ không dừng lại. Vấn đề là những “ngôn từ thời đại” nào sẽ đủ sức nặng để tồn tại về lâu dài, dần trở thành một từ “chính thức”.
PGS ngôn ngữ Phạm Văn Tình
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
Ngôn ngữ cũng có “mốt”. Những từ mới xuất hiện thường được đón nhận một cách hào hứng, dễ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới cộng đồng. Nhưng, rất nhiều trong số những từ mới này chỉ tồn tại ở dạng ký sinh trong một thời gian và sẽ mất dần, nếu bản thân chúng chưa có sự hợp lý mà chỉ thiên về phá cách, gây ấn tượng nhất thời.
Chẳng hạn, những “đắng lòng” hay “không hề nhẹ” cũng đang ít nhiều hạ nhiệt so với trước. Bởi, đây chỉ là những cụm từ mang lại cảm giác lạ khi được dùng theo nghĩa gần như trái ngược. Chẳng hạn, chúng ta đều biết giới trẻ thường “đắng lòng” để trào lộng về những vấn đề vốn không… cay đắng gì (cười). Khi lặp lại nhiều lần, cả người nói và người nghe quá quen tai, những từ ấy thường sẽ trôi đi và nhường cho các “sáng tạo” mới.
* Ngược lại, ông sẽ giải thích ra sao về những “từ mới” đủ sức tồn tại dài hơi?
- Những trường hợp này liên quan tới nhiều lý do, mà trước hết là “sức nặng” về ý nghĩa, hình ảnh của chính từ mới ấy. Chẳng hạn như khái niệm “buôn dưa lê”. Cá nhân tôi cho rằng cụm từ này phát triển từ chữ “lê” trong “ngồi lê đôi mách”. Để rồi tùy lúc, người ta “mở rộng” nó thành thành ngữ “buôn dưa lê, bán dưa chuột”, hoặc vứt luôn cái đuôi “lê” đi để trở thành “buôn”. Hoặc “chém gió” cũng vậy. Bản thân từ này gợi hình ảnh về cử chỉ, động tác của một người đang hùng hồn diễn thuyết. Lâu dần, giới trẻ dùng “chém gió” theo nghĩa mở rộng về chuyện ba hoa, tràng giang đại hải, hoặc nói quá lên so với sự thực.
Rồi, một trường hợp thú vị khác là “ném đá”. Dù bắt nguồn từ chuyện trẻ em “ném đá” lên tàu hỏa chạy qua ở VN, hay chuyện “ném đá” để trừng phạt ở các nước Hồi giáo thì khái niệm này vẫn được dùng để chỉ sự phản ứng quyết liệt, gay gắt của cộng đồng với một cá nhân hoặc hiện tượng. Quả thực, “ném đá” thì tạo ấn tượng về ngữ nghĩa, và giàu hình ảnh hơn rất nhiều so với “ phê bình”, “phê phán” hay “phản đối” (cười).
Và, cũng phải thừa nhận thêm, các hiện tượng “chém gió”, “buôn” hay “ném đá” đang rất phổ biến trong cuộc sống bây giờ. Bối cảnh ấy là lý do để những cụm từ này luôn có chỗ để sử dụng, và dần dần trở nên quen thuộc, được chấp nhận như một từ phổ thông.
* Chúng ta đã từng có những luồng ý kiến rất khác biệt về “ngôn ngữ thời đại”. Và trong những năm tới, theo ông, vấn đề này sẽ tiếp tục được đón nhận thế nào?
- Cuộc tranh luận về trường hợp cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ (bộ “thành ngữ sành điệu” của họa sĩ Thành Phong) diễn ra 5 năm trước là một cột mốc về vấn đề này. Khá thú vị, dù bộ sách này bị thu hồi, cuốn sách lại nhận được sự bênh vực và thông cảm khá nhiều từ các chuyên gia. Và vài năm sau, sách được xuất bản lại với một số thay đổi.
Tôi nghĩ, chính từ những tranh luận quanh cột mốc này, dư luận đã có sự thông cảm và ít nhiều chấp nhận được phần nào khái niệm “ngôn ngữ thời đại”. Bởi, quá trình phát triển của ngôn ngữ không phải là nhất thành bất biến. Muốn hay không, những yếu tố mới cũng sẽ xuất hiện, rồi sẽ hoặc tiếp tục tồn tại nếu hợp lý, hoặc bị tiêu biến dần nếu chỉ là hiện tượng nhất thời.
Bên cạnh sự cảm thông, cái chúng ta cần làm là động viên giới trẻ để không lạm dụng các từ này trong giao tiếp nghiêm túc, cũng như chú ý tới khía cạnh văn hóa của mỗi từ.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags