Xét nghiệm mẫu B của 5 VĐV đội tuyển điền kinh thi đấu tại SEA Games 31 tiếp tục cho kết quả dương tính với doping và theo lý giải ban đầu là do dùng chung 1 loại thực phẩm chức năng.
5 VĐV Việt Nam dính doping
Theo nguồn tin riêng của Thể thao & Văn hóa, kết quả xét nghiệm mẫu B của 5 VĐV điền kinh Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 vẫn có kết quả dương tính với cùng 1 loại chất nằm trong danh mục cấm của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA).
Số này gồm 4 VĐV nữ và 1 VĐV nam, đều giành huy chương ở SEA Games 31, gồm có N.H (1 HCV, 1 HCB), P.A (1 HCV, 1 HCB), T.N (1 HCV, 1 HCĐ), T.L (2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ) và N.P (2 HCB). Trong đó, riêng trường hợp của nữ VĐV P.A có kết quả dương tính ở mẫu thử của 2 nội dung thi đấu. Đặc biệt là cả 5 VĐV này đều dương tính với 1 loại chất cấm.
Theo giải trình ban đầu, nhóm VĐV này cùng nhau mua và sử dụng 1 loại thực phẩm chức năng mà không biết thành phần có chất nằm trong danh mục cấm.
Trước đó, mẫu A của nhóm VĐV này có kết quả xét nghiệm dương tính với doping và kết quả mẫu B mới được phòng xét nghiệm tại Thái Lan công bố sau khi có đề nghị từ phía Việt Nam.
Theo quy trình xử lý, nhóm 5 VĐV này còn chờ kết quả phiên điều trần trước Hội đồng Quản lý kết quả của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31.
Sau khi xem xét và tổng hợp các yếu tố và liên quan đến sự việc, Hội đồng Quản lý kết quả của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31 sẽ đưa ra kết luận.
Nếu bị kết luận sử dụng doping, nhóm VĐV này đối diện với nguy cơ bị tước huy chương, đồng thời có thể bị phạt tiền và cấm thi đấu theo quy định quốc tế.
Hiện tại, Hội đồng Quản lý kết quả của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31 đang lên kế hoạch tổ chức phiên họp, sau khi có kết quả của toàn bộ mẫu thử các đoàn thể thao dự đại hội.
Tại SEA Games 31, Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 910 VĐV của 11 đoàn thể thao dự đại hội, căn cứ trên 2 yếu tố: giành thành tích cao trong thi đấu và VĐV có nguy cơ sử dụng doping.
Các mẫu thử này sau đó được đưa tới phòng xét nghiệm tại Thái Lan để kiểm tra và kết quả được cập nhật trên hệ thống quản lý dữ liệu về phòng chống Doping của WADA (ADAMS).
Trong quá khứ, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp sử dụng doping và phải nhận án phạt với các mức độ khác nhau, trong đó, bao gồm cả những VĐV từng tham dự Olympic như Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục)…. Trước SEA Games 31, 17 VĐV thể hình kiểm tra doping để được quyền thi đấu thì có đến... 7 VĐV có kết quả dương tính.
Quy trình xử lý VĐV sử dụng doping tại SEA Games 31
Sau khi kết quả cuối cùng về mẫu thử của VĐV được cập nhật trên hệ thống quản lý dữ liệu về phòng chống Doping của WADA (ADAMS), nếu VĐV bị kết luận vi phạm Luật phòng chống Doping, việc xử lý sẽ được tiến hành theo quy định của Ban tổ chức SEA Games 31, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á căn cứ vào các điều khoản trong Bộ luật phòng, chống Doping thế giới được áp dụng từ 1/1/2021.
Trước đó, kết quả xét nghiệm mẫu A sẽ được Hội đồng Quản lý kết quả của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping SEA Games 31 xem xét làm cơ sở để tiến hành quy trình xử lý. Hội đồng này bao gồm 5 thành viên và Việt Nam có 3 đại diện.
Hội đồng có trách nhiệm xem xét hồ sơ xét nghiệm, đơn miễn trừ do điều trị của VĐV (nếu có), các căn cứ khác (nếu có) để đưa ra thông báo lần đầu, yêu cầu VĐV tự nguyện xét nghiệm mẫu B và/hoặc giải trình về việc xuất hiện chất cấm trong mẫu thử.
Tiếp đó, trên cơ sở kết luận của Hội đồng Quản lý kết quả thuộc Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping, cùng với các tài liệu liên quan, báo cáo giải trình của VĐV…, Ban tổ chức SEA Games 31 và Liên đoàn Thể thao Đông Nam sẽ kết luận về hành vi vi phạm, đánh giá về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và đề xuất hình thức xử lý vi phạm.
Trong tiền lệ, các trường hợp sử dụng doping ở các kỳ SEA Games hoặc các đại hội thể thao quốc tế khác đều bị tước huy chương, hủy bỏ thành tích thi đấu. Ngoài ra, VĐV sử dụng doping còn có thể bị phạt tiền và cấm thi đấu tùy theo mức độ khác nhau căn cứ vào quy định của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế.
Tags