Chương trình truyền hình cho thiếu nhi: Nỗi lo đến từ ti vi

Thứ Ba, 27/05/2014 09:37 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều phụ huynh lo sợ những ngày Hè con cái của họ sẽ "cắm mặt" vào ti vi. Ngoài việc lo bọn trẻ sẽ xem quá thời lượng cho phép, điều mà các gia đình quan tâm nhất là chúng xem và tiếp nhận những gì trên sóng truyền hình?

Nếu hàng chục năm trước đây, thiếu nhi chỉ có chương trình Bông hoa nhỏ, thì ngày nay chương trình của các em phong phú hơn rất nhiều.

Trẻ em Việt xem gì trên truyền hình?

Riêng về hoạt hình, các em có hẳn 4 kênh như: Disney Chanel, Bibi, Cartoon Network, KidTV; một số kênh truyền thống như VTV2, HTV3 cũng dành thời lượng nhất định cho phim hoạt hình. Bên cạnh đó, còn các chương trình giải trí mang tính giáo dục như: Bông hoa nhỏ, Chúc bé ngủ ngon (VTV2); Truyện cổ tích Việt Nam, Chuyện ngày xưa (HTV3); Cùng bé sáng tạo, Lúc lắc - Xúc xắc (Bibi)...


Giọng hát Việt nhí rất thành công, nhưng vẫn không tránh khỏi tranh cãi

Vài năm trở lại đây, các Đài đã phát triển thêm nhiều thể loại chương trình như game show Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Trẻ em luôn đúng; chương trình truyền hình thực tế: Đồ Rê Mí Đôi, Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí (kế hoạch lên sóng lần đầu vào năm nay).

Ngoài ra, ở Việt Nam, trẻ em còn giải trí bằng... clip quảng cáo trên các kênh dành cho người lớn. Điều này hơi kỳ lạ, nhưng là sự thật. Ngoài thị trường, người ta bán cả CD tập hợp các clip quảng cáo, đủ để biết quảng cáo hấp dẫn trẻ em đến mức nào. Xu hướng này mạnh đến mức, mấy năm gần đây các nhãn hàng hàng như sữa, dược phẩm, thực phẩm... chuyển hướng làm các clip quảng cáo như phim hoạt hình để "dụ" trẻ con.

Nỗi lo hàng ngoại

Nỗi lo lớn nhất của các bậc phụ huynh hiện nay là phần lớn các chương trình đang phát trên truyền hình đều là hàng ngoại. Việc những đứa trẻ "cắm mặt" suốt ngày theo dõi các kênh hoạt hình nước ngoài (chỉ có phụ đề) dẫn đến quen, và yêu thích văn hóa nước ngoài; từ đó có thể dẫn tới hiện tượng chê và chối bỏ văn hóa trong nước.

Có một nỗi lo khác lớn không kém đi kèm là các kênh ngày càng có xu hướng thương mại hóa. Ngay sau các bộ phim hoạt hình, là quảng cáo các sản phẩm ăn theo. Tóm lại là xem xong Rô bốt trái cây, Thần xe siêu tốc, Huyền thoại Chima... ngay lập tức các cháu sẽ mè nheo bố mẹ mua đồ chơi này cho bằng được.

Có một điều lạ, là ở các kênh sản xuất trong nước, phim hoạt hình Việt Nam không sao chen chân vào nổi. Trong một cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa, Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, ông Đặng Vũ Thảo cho biết ông rất buồn vì "làm phim ra mà con cháu mình không được xem". "Chúng tôi đã từng liên hệ với nhiều đài nhỏ, cho họ phim, đưa họ tiền, chỉ việc ấn đĩa vào phát họ còn không cần. Còn các đài lớn thì càng không thể vào. Vì mỗi phút phát sóng đều là tiền. Chỉ cần họ phát một bộ phim nước ngoài là có tiền sóng, lại thêm tiền quảng cáo nữa. Mà bây giờ các công ty nước ngoài họ cho các đài nhiều phim lắm. Vậy tội gì đài phải mua phim có bản quyền trong nước" - ông Thảo nói.

Năm ngoái, chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí thực sự là cú nổ lớn khi thu hút hết sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, cùng với thành công, cuộc thi cũng để lại nhiều băn khoăn khi các thí sinh nhí được cho hát ca khúc người lớn khá nhiều. Nhiều phụ huynh thực sự lo ngại khi chứng kiến những em sau thành công tại cuộc thi đã mải mê chạy sô, thậm chí chấp nhận hát ca khúc dành cho người lớn.

Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, người trực tiếp đạo diễn Đồ Rê Mí Đôi cho biết làm chương trình cho thanh thiếu niên, thiếu nhi rất khó vì các em là đối tượng dễ bị tổn thương. Nên dù biết truyền hình trực tiếp sẽ thật và kịch tính hơn, nhưng để bảo vệ những thí sinh nhí, Đồ Rê Mí Đôi quyết định chỉ làm phát lại.

"Xem kênh Disney nổi tiếng, sẽ thấy những "hoàng tử", "công chúa" của họ có ai được làm trẻ con bình thường đâu. Nói chung làm những chương trình cho trẻ em, thanh thiếu niên, ngoài tài năng, người sản xuất cần phải có tâm nữa" - đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng nói.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›