(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, soái ca trở thành danh xưng phổ biến dành để chỉ những người đàn ông hoàn hảo. Đặc điểm cơ bản của các soái ca: đẹp trai, giàu hoặc sẽ giàu, nhiều người phụ nữ theo đuổi nhưng luôn lạnh lùng…
- Ngỡ ngàng vì vua Lê Thái Tông đẹp như... soái ca
- ‘Soái ca’ Huỳnh Hiểu Minh mời hàng ngàn khách tới dự đám cưới
Soái ca trở thành nỗi ám ảnh tới mức, tuần qua, một cuốn sách lịch sử Việt của người trẻ có tạo hình các nhân vật Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông bị dư luận chỉ trích giống hệt các soái ca được mô tả và tạo hình trong sách ngôn tình phương Bắc.
Miễn bàn tới mức độ “ngôn tình” của cuốn sách được coi là “tiểu thuyết lịch sử”, có một điều thấy rõ: người trẻ Việt- những người làm sách- chịu ẩn ức rất lớn về soái ca. Phải chăng cộng đồng độc giả trẻ tiếp cận lịch sử một cách dễ dàng mềm mại qua hình tượng lung linh mà độc giả ham thích: soái ca?
Cũng trong lĩnh vực xuất bản, những ngày gần đây, soái ca điện ảnh Việt Thương Tín bước ra từ những hào quang để xuất bản hồi ký. Cuốn hồi ký của Thương Tín gồ ghề, thô ráp như bản chất cuộc sống. Soái ca ngày nào lập tức bị dư luận “tước danh hiệu” và vào vai phản diện trong tấn kịch cuộc đời. Phụ nữ chỉ trích anh vì anh kể những chuyện tình phần nhiều là niềm đau mà chẳng mấy lãng mạn.
Đàn ông “ném đá” anh bởi họ cho rằng anh làm xấu mặt “cánh mày râu” khi ứng xử với những người phụ nữ qua đời mình theo lối thương mà không tín. Thương Tín đã chơi “ván bài lật ngửa” bởi anh thẳng thắn thừa nhận “viết sách kiếm chút tiền mua sữa cho con”.
Anh chấp nhận búa rìu dư luận chỉ để kiếm chút lợi nhuận từ thứ cuối cùng của ánh hào quang showbiz: ký ức tình trường. Chuyện Thương Tín cũng khiến mọi người nhận ra nhiều điều về cụm từ soái ca mà giới trẻ đang mong chờ, rằng soái ca cũng chỉ là người.
Điểm sáng nhất tuần, một người đàn ông “soái ca” ngay cả khi trong cơn nguy biến: Trần Lập và đêm nhạcĐôi bàn tay thắp lửa. Trong những ngày chống chọi với ung thư, Trần Lập cùng Bức Tường và những người bạn vẫn gửi tới người trẻ nguồn cảm hứng diệu kỳ về niềm yêu sống. Họ hát để lấy kinh phí hỗ trợ thủ lĩnh Bức Tường trong ngày dông tháng gió. Họ hát để cảnh báo với cả xã hội về “đại dịch” ung thư.
Song, những ca từ mộc mạc về quan điểm sống tích cực của Trần Lập viết trong 20 năm qua được cất vang như để cả cộng đồng cùng thấy mọi điều vẫn tốt đẹp, con người vẫn mạnh mẽ bên nhau “chống đến cùng” ánh chớp nghiệt ngã của số phận. Và hình ảnh Trần Lập trong cơn bạo bệnh cất cao tiếng hát đã truyền đi những nguồn cảm hứng diệu kỳ trong cộng đồng.
Hay nói như cách nói của tiểu thuyết ngôn tình: không có soái ca vĩnh cửu, chỉ có những phút giây vĩnh cửu của soái ca!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags