(Thethaovanhoa.vn) - Không may mắn như 2 đội bóng đã giải thể như HP.Hà Nội hay K.Khánh Hòa, khi các cầu thủ ở 2 CLB gần như đều tìm được bến đỗ mới, ở N.Sài Gòn, XMXT.Sài Gòn hay K.Kiên Giang và mới nhất là HV.An Giang, những người lao động đều rất khó khăn để có thể đòi lại số tiền mà mình đáng được sở hữu từ đơn vị chủ quản.
Ngay khi N.Sài Gòn tuyên bố giải tán, hơn 30 con người ở CLB này không khỏi hoang mang. Những cầu thủ “sao số” khi đó như Tài Em, Việt Cường, Long Giang, Thế Anh... đều trong tình cảnh lo lắng.
Tất cả những cầu thủ đó đều bị đơn vị chủ quản giữ lại tiền lót tay, lương thưởng giá trị nhiều tỷ đồng. Họ năm lần bảy lượt đến Công ty rồi Ngân hàng để đòi gặp mặt Chủ tịch CLB khi đó là ông Nguyễn Vĩnh Thọ. Đỉnh điểm, cầu thủ N.Sài Gòn đã tính mang cả luật sư vào kiện tụng. Nhưng rồi, sự việc cứ chìm xuồng theo chiều hướng bất lợi cho các cầu thủ.
“Người không chịu đất thì đất phải chịu trời”, người lao động ở đây luôn bị thiệt. Khi gọi điện thoại cho ông bầu thì câu trả lời hoặc là đang bận công cán nước ngoài hoặc “tôi cũng chỉ là người làm thuê”. Cầu thủ N.Sài Gòn khi đó kêu gọi tứ phương, nhưng cuối cùng, tất thảy đều im lặng chịu đựng kết cục bất lợi.
Người lao động không hề muốn dính đến những vụ kiện tụng vừa rắc rối, vừa mất thời gian mà chưa chắc đã có kết quả. Ở đây, cầu thủ cũng cần bảo vệ danh tiếng của mình khi họ muốn tìm một đội bóng mới để đầu quân.
Chấp nhận mất đi khoản tiền đã từng được CLB hứa hẹn dù hợp đồng giấy trắng mực đen trên tay, mỗi người ngậm ngùi tìm ngã rẽ mới. Phần đông cầu thủ N.Sài Gòn được chuyển đến đội bóng mới XMXT.Sài Gòn.
Nhắc đến XMXT.Sài Gòn, dù giải thể sau mùa bóng 2013 nhưng ông bầu CLB cũng có hành động khá đẹp với người lao động. Bầu Thụy sau đó đã thanh toán tiền giải phóng hợp đồng cho nhiều cầu thủ đến khi họ tìm được CLB mới.
Riêng Huỳnh Kesley được xem là trường hợp rất may mắn khi là người hiếm hoi đòi được số tiền lên đến cả tỷ đồng sau khi đội bóng Sài Gòn giải thể.
Mới năm ngoái, câu chuyện K.Kiên Giang giải tán được lặp lại như một N.Sài Gòn phiên bản 2. Khi đó, nhóm cầu thủ Lưu Ngọc Hùng, Hoàng Công Thuận, Nguyễn Hoàng Hà, Phạm Đặng Duy An, Đinh Kiên Trung, Hà Niệm Tiến, Dương Chí Hùng quyết tâm làm đến cùng khi kéo đến tận nhà GĐĐH của CLB.
Các cầu thủ sẵn sàng thuê luật sư kiện tụng, nhưng khổ nỗi, GĐĐH của CLB cũng không biết đường nào mà lần, vì ông lý giải ông cũng chỉ là người làm thuê. Số tiền CLB K.Kiên Giang nợ cả đội ước chừng 7 tỷ đồng. Nhưng rồi, khi không còn biết kêu ai, các cầu thủ đành ngậm tăm chịu thiệt. Giấy trắng mực đen trong trường hợp đó cũng chỉ biết vứt đi hoặc cất giữ để làm kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp.
Trong số các cầu thủ Kiên Giang đầu quân cho đội bóng đang có tin sẽ giống K.Kiên Giang thứ 2 như HV.An Giang là Công Thuận, Duy An, họ có lẽ cũng ngấp ngáy lo ngại cho tương lai của mình.
HV.An Giang lúc này đang nợ chồng chất tiền cầu thủ, trong khi mùa bóng sắp sửa khép lại. Với thành tích hiện tại, để nhà tài trợ thanh toán đầy đủ số tiền nợ cho các cầu thủ có thể là chuyện... trên mây. Bản thân lãnh đạo CLB cũng không rõ tương lai của đội bóng này. Quyền lợi của họ giờ đang phó mặc cho “tình thương” và thú vui của ông bầu.
Năm nào, BTC cũng nhắc đi nhắc lại điệp khúc chứng minh tài chính 35 tỷ đồng để tồn tại với một CLB chuyên nghiệp. Nhưng mùa giải gần khép lại, với trường hợp HV.An Giang, không hiểu tổ chức nào sẽ bảo vệ được quyền lợi cho các cầu thủ?
Văn Lộc
Thể thao & Văn hóa
Tags