Trong thời chiến, ông là chàng lính trẻ vẽ bản đồ tác chiến giúp quân ta "mở cánh cửa thép" phòng tuyến Xuân Lộc. Ở thời bình, ông là bác sĩ quân y hết lòng phục vụ nhân dân. Đó chính là Cựu chiến binh, tiến sĩ – bác sĩ Đàm Duy Thiên.
Những ngày mưa bom, bão đạn của năm 1972 không thể nào quên trong ký ức của chàng thanh niên Đàm Duy Thiên. Năm đó, 16 tuổi - ở độ tuổi đẹp nhất thời học trò, ông gác bút nghiên xung phong ra chiến trường. Ba năm sau, năm 19 tuổi, ông là người duy nhất vẽ tấm bản đồ tác chiến tấn công vào "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường cho đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định năm 1975.
48 năm đã qua, những người lính Cụ Hồ trở về từ chiến trường đều đặn hàng năm lại tề tựu, gặp mặt vào những ngày giữa tháng Tư để ôn lại kỷ niệm một thời bi tráng. Cũng trong dịp gặp gỡ này, tôi đã có cuộc trò chuyện với Cựu chiến binh, tiến sĩ – bác sĩ Đàm Duy Thiên về tấm bản đồ lịch sử góp phần làm nên chiến thắng của quân ta gần 50 năm về trước.
Gác giấc mơ bác sĩ lên đường ra trận
Ngược dòng thời gian, năm xưa ông tham gia quân đội khi nào? Khả năng vẽ bản đồ tác chiến được phát hiện như thế nào ạ?
Tôi vốn quê gốc ở Nghệ Tĩnh, lớn lên ở tỉnh Quảng Bình. Những năm Mỹ điên cuồng đánh phá đất nước, tôi giống như nhiều thanh niên khác theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc viết đơn xung phong nhập ngũ.
Đó là năm 1972, tôi vẫn còn nhớ mãi lúc đó tôi chưa đầy 16 tuổi, vóc dáng nhỏ bé chưa nặng tới 40kg. Tôi nuôi ước mơ trở thành bác sĩ và dự định sẽ thi vào ngành Y, thế nhưng chứng kiến cuộc chiến tranh quá khốc liệt, tôi tạm gác lại những mong muốn của bản thân và gia nhập Trung đoàn 266, Sư đoàn 341.
Khi gia nhập Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, tôi là người nhỏ tuổi nhất đơn vị. Thấy tôi nhỏ bé, đồng đội đã tình nguyện mang vác súng đạn giúp. Tôi là em út nên cũng được các anh ưu ái cho mang bản đồ, lương khô cho đồng đội và nhận nhiệm vụ liên lạc.
Vào những giờ phút nghỉ ngơi, tôi cũng được mệnh danh là cây văn nghệ của đơn vị và thường mang đến niềm vui, sự khích lệ, động viên cho đồng đội thông qua những bài thơ, những bức tranh tôi sưu tầm hay sáng tác. Khả năng vẽ tranh của tôi bắt nguồn từ ngày đó.
Trước khi được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc 1975, ông đã từng được giao nhiệm vụ nào tương tự như vậy chưa?
Trước khi nhập ngũ, tôi chưa từng tham gia lớp học nào về hội họa, có thể đó là một chút năng khiếu từ nhỏ. Thấy tôi vẽ đẹp, vẽ chính xác nên khi được điều về Ban Tác chiến, tôi đã không ngừng học hỏi trao dồi kỹ năng để vẽ được nhiều bản đồ tác chiến theo nhiệm vụ được giao. Trong đó, tấm bản đồ của trận Xuân Lộc.
Khi nhận nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đó, cảm xúc của ông ra sao?
Trong chiến dịch, phòng tuyến Xuân Lộc là một điểm quan trọng, được ví là cửa ngõ Sài Gòn ở phía Đông. Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 80km, án ngữ các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt, bản thân chính quyền Việt Nam Cộng Hoà xác định phải giữ Xuân Lộc - thành trì cuối cùng bảo vệ Sài Gòn, bằng mọi giá. Còn quân ta với sự dẫn dắt của quân đoàn 4 đã chọn ra một đội hình cực kỳ tinh nhuệ, trong đó Sư đoàn 341 hội đủ những yếu tố chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, thiện chiến để mở đầu chiến dịch.
Khi được giao vẽ tấm bản đồ tác chiến trận Xuân Lộc, tôi khá lo lắng. Cái khó đặt ra, là tôi phải thể hiện trận địa tấn công của ta thế nào, trận địa phòng ngự của địch ra sao để các thủ trưởng vạch kế hoạch tác chiến. Nếu vẽ sai chỉ một chút xíu, quân ta có thể sẽ không đánh trúng mục tiêu hoặc sẽ gặp những tổn thất lớn.
Để hoàn thiện tấm bản đồ, tôi cần thu thập, quan sát và vận dụng trí nhớ của mình để kết nối mọi dữ liệu. Cái khó là địa bàn mới, thông tin của kẻ địch vô cùng ít ỏi, tôi gặp không ít khó khăn. Chỉ huy của tôi nói rằng, tôi phải phác thảo trong đầu để về cụ thể hoá vào bản vẽ. Lúc ấy, để dễ nhớ thông tin từ bộ phận trinh sát báo về, tôi gắn kết dữ liệu thành... thơ, sau đó chuyển hoá thành phác thảo. Chi tiết các vị trí, mục tiêu của địch dần dần được vẽ bằng nét chì trên giấy, cứ vậy, hơn một tuần, tôi hoàn tất tấm bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc.
Khi quân ta giành chiến thắng Xuân Lộc, cảm xúc đầu tiên đến với ông là gì ạ?
Thật sự là vỡ òa vui sướng và tự hào vì tấm bản đồ tôi vẽ không có chút sai sót, góp phần giúp quân và dân ta mở nút thắt cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy hạnh phúc là vậy, nhưng những mất mát trong chiến tranh thì vẫn còn đọng lại, và day dứt khôn nguôi. Tôi chẳng thể nào quên thời điểm trận đánh diễn ra ở giai đoạn khốc liệt nhất thì chiến sĩ Nguyễn Văn Lương, một người đồng đội thân thiết của tôi bị trúng đạn rất nặng. Đơn vị chuyển anh về phía sau, tôi cùng một số đồng đội tham gia chăm sóc, băng bó cho anh nhưng cuối cùng anh ấy không qua khỏi. Hơi thở cuối anh Lương trút trên tay tôi, cảm giác nóng ran, ám ảnh cho đến tận bây giờ. Lúc nhập ngũ anh Lương đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Mỹ Thuật và luôn ao ước khi hoà bình lập lại, anh sẽ tiếp tục học đại học để làm hoạ sĩ. Trong thời khắc nghe tin quân ta giành thắng lợi ở Xuân Lộc, tôi nhớ tới anh Lương và rất nhiều đồng đội đã ngã xuống, hạnh phúc đấy nhưng xen lẫn cả những xót xa khôn cùng.
Thời thanh niên sôi nổi của đồng chí Đàm Duy Thiên
Người lính Cụ Hồ giữa thời bình
Chiến tranh qua đi, ông bắt đầu cuộc sống mới như thế nào?
Qua những ngày mưa bom, bão đạn, may mắn sống sót trở về, thôi thúc trong lòng tôi là khát khao được đi học và trở thành bác sĩ đúng như mơ ước hồi nhỏ. Chứng kiến sự thảm khốc của chiến tranh, những người đồng đội đã không có cơ hội trở về, những người phải gánh chịu đau đớn và di chứng của chiến tranh..., tôi thật sự muốn được cứu giúp, chữa bệnh cho đồng đội, cho mọi người.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được cử đi học tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, rồi thi đỗ vào Đại học Quân y năm 1978 (từ năm 1981 là Học viện Quân y). Tốt nghiệp, tôi được Học viện giữ lại làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật sọ não và cột sống kiêm giảng viên hướng dẫn thực hành cho học viên tại Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y). Thực hiện thành công nhiều ca mổ cho các bệnh nhân, song song với đó, tôi học hỏi, nâng cao kiến thức và trở thành Tiến sĩ Y khoa. Sau thời gian công tác tại Bệnh viện Quân y 103, tôi được điều về công tác tại Ban bảo vệ sức khỏe Trung Ương, chăm sóc sức khoẻ cho các cán bộ, rồi về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu.
Người lính cụ Hồ năm xưa và cũng là bác sĩ tài năng trong thời bình
Khi về hưu tôi vẫn tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Mới đây trong một nghiên cứu về việc tìm ra chất chống ung thư từ gạo dưới sự chỉ đạo đứng đầu của PGS Tiến sĩ Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh Đại học Hiroshima, Nhật Bản và nhà khoa học Trần Ngọc Nam, tôi cũng đã cùng tham gia đóng góp để thực hiện thành công đề tài này.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã chứng minh hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tiềm năng vượt trội trong tiêu diệt các tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường. Đây được đánh giá là một trong số ít nghiên cứu trên thế giới có thể chiết xuất thành công Momilactone A và B với hiệu suất cao từ các nguồn tự nhiên như từ gạo hay vỏ trấu - một hợp chất rất khó phân lập, tinh chế và được định giá đắt hơn nhiều lần so với vàng.
Được biết, hàng năm những cựu lính thuộc Sư đoàn 341 vẫn có buổi gặp mặt, ôn lại những kỉ niệm về những năm tháng hào hùng năm xưa ạ?
Dù gần 50 năm đã trôi qua nhưng những cựu chiến binh của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 vẫn gắn kết với nhau. Cuộc gặp mặt mỗi năm không chỉ ôn lại kỷ niệm cũ mà còn cập nhật tình hình cuộc sống của mỗi người, cùng giúp đỡ nhau làm kinh tế, vượt qua khó khăn. Chúng tôi thường xuyên tổ chức đi thăm, tặng quà những đồng đội có hoàn cảnh thiếu thốn, hỗ trợ điều trị đối với thương binh, bệnh binh và hỗ trợ xây nhà cho những đồng đội neo đơn, thời gian trước dịch chúng tôi còn tổ chức các chuyến đi về chiến trường xưa…
Những người lính đi qua chiến tranh, ghi tạc từng miếng ăn chia nhau, thậm chí nhường nhau cả sự sống... thật sự đặc biệt lắm. Trong đoàn quân của Sư đoàn 341 giải phóng Xuân Lộc năm ấy, người nằm lại ở nghĩa trang Long Khánh, người trở về quê hương với vết thương chằng chịt, người may mắn trở về, vẫn gặp nhau vào mỗi dịp tháng Tư hàng năm để ôn lại kỉ niệm xưa. Tôi và các đồng đội luôn tự nhủ cái giá của hòa bình chưa bao giờ là dễ dàng và sẽ luôn sống xứng đáng cho những ngày độc lập.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông thật nhiều sức khoẻ và tiếp tục có thêm nhiều thành tựu mới!
Tags