Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nghệ thuật hát múa Ải Lao đang đứng trước một bài toán khó để bảo tồn và phát huy trong xã hội hiện đại.
1. Suốt một đời dành nhiều tình cảm cho các di sản nơi mình sinh sống, ông Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao tâm sự, sau khi về hưu, ông từng đảm nhiệm chức vụ trưởng ban quản lý di tích của địa phương. Năm 2012, ông đã chuyển giao lại công việc cho tổ trưởng tổ dân phố. Từ đó, ông chuyên tâm nhiều hơn vào phường hát múa Ải Lao.
Ngày 8/3/2019, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ông càng nhận thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn nữa đối với phường hát, cũng như với cộng đồng nơi ông sinh sống. Ông từng bàn bạc với khoảng 30 thành viên trong phường hát để đưa ra những phương án bảo tồn hát múa Ải Lao và thu hút những người trẻ ở địa phương.
Ông cũng biết, lớp trai trẻ hiện nay cũng có một số người rất quan tâm tới phường hát, nhưng đa phần đều rất bận rộn với công việc, học tập, không có nhiều thời gian tham gia. Thành viên trẻ nhất mới được kết nạp cũng đã ở độ tuổi tứ tuần. Nên, ông mong rằng thế hệ trẻ sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn, để có thể cùng ông giữ gìn loại hình nghệ thuật này.
Bên cạnh đó, không chỉ riêng ông Hinh mà cả tập thể phường hát rất mong mỏi ở chính quyền từ cấp địa phương cho tới các cấp cao hơn sự hỗ trợ về tài chính. Ngay từ những ngày đầu hoạt động phường hát đến nay, toàn bộ kinh phí đều do các thành viên tự đóng gópmà chưa nhận được sự quan tâm từ cơ quan hay đơn vị nào, nên khó tránh khỏi những thiếu thốn trong quá trình sinh hoạt, biểu diễn. Từ đầu năm nay, ông đã đại diện cho phường hát đề xuất vớichính quyền hỗ trợ cho nghệ nhân ưu tú 1,5 triệu đồng hàng tháng và hỗ trợ cho phường hát múa Ải Lao 60 triệu đồng hàng năm.
Nếu được chấp nhận, nguồn kinh phí ấy sẽ được sử dụng để duy trì việc tổ chức các buổi luyện tập thường xuyên và trang trải cho những chi phí sắm sửa đồ đạc, trang phục, nhạc cụ biểu diễn... Đồng thời, đây cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn từ phía chính quyền. Nhưng tiếc rằng, đến nay, ông và tập thể phường hát vẫn chưa nhận được hồi âm.
2. Cố GS-TS Nguyễn Văn Huyên lúc sinh thời đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về hội hè của người Việt nói chung, và Hội Gióng là một trong số đó. Ông từng cho ra mắt tác phẩm Hội Phù Đổng - Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam, trong đó có đề cập đến nghệ thuật hát múa Ải Lao.
Tiếp nối công trình nghiên cứu của cha mình, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cũng dành rất nhiều tâm huyết với lễ hội này. Từ đó, ông Huy cho rằng, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền nên trao cho phường hát múa Ải Lao bản sao của Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Hội Gióng. Như lời ông, nếu làm được như thế, cộng đồng địa phương sẽ càng nhận thấy trách nhiệm của mình đối với nghệ thuật này. Họ sẽ nhìn vào đấy để nhắc nhở thế hệ đi sau về câu cửa miệng "Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng", sẽ thêm đoàn kết và có ý thức với di sản.
Theo ông Huy, để bảo tồn và phát huy giá trị của hát múa Ải Lao, trước tiên cần nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ trên địa bàn khu vực về loại hình này. Ông có đề xuất nên đưa việc giảng dạy bộ môn nghệ thuật này vào các trường học, đặc biệt là các trường tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm, để từ đó giáo dục cho các thế hệ học sinh hiểu rõ về nghệ thuật này và trách nhiệm của mình đối với một giá trị truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, cũng rất cần sáng tác thêm những lời bài hát mới để làm phong phú kho tàng bài hát của loại hình hát múa Ải Lao, từ đó khiến thế hệ trẻ thêm thích thú, say mê. Và để có thể sáng tác được, tất nhiên người trong cuộc cần có sự nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Trải qua bao nhiêu năm tháng, phường hát múa Ải Lao vẫn giữ lại được phần lớn những điệu hát cổ, điệu múa cổ mà cha ông truyền lại, đó là một kỳ tích. Và rõ ràng, trách nhiệm của thế hệ hiện đại là phải gìn giữ, phát triển và tiếp tục trao truyền cho thế hệ mai sau, không chỉ bởi nó gắn liền với Hội Gióng đền Phù Đổng, mà tiếng hát, nhịp sênh ấy còn là "tiếng nói thứ hai" của dân làng Hội Xá.
Tags