(Thethaovanhoa.vn) - Ông là đối tượng của mọi cuộc đàm tiếu ở Edelsbach, một làng nhỏ dưới chân núi Alps, và một tài năng cơ khí: 23 năm cuộc đời mình, nông dân Franz Gsellmann dành ra chỉ để chế tạo một cỗ máy độc nhất vô nhị dưới gầm trời.
Cả làng mất điện
… vào một đêm trong năm 1968 và thợ rèn Johann Pregartner thở dài lắc đầu: ông biết rõ thủ phạm lại không phải ai khác ngoài nông dân Gsellmann. Mà không chỉ riêng làng Edelsbach, cả thung lũng vùng Oststeiermark (Áo) chìm vào bóng tối khi Gsellmann cắm điện chạy thử tác phẩm để đời của mình. Cách đó vài tuần thợ rèn Pregartner là người lạ đầu tiên được nhìn tác phẩm bí hiểm đó.
Cho đến hôm ấy, nông dân Gsellmann đã hì hụi nhiều năm gò, hàn, rèn, đục. Ông vác ba lô về tận thủ đô Vienna hay đi Graz rồi quay về với hàng mấy chục cân đồ mua ở các chợ đồ cổ, hổn hển thở như một con bò kéo xe. Cả vùng Oststeiermark đã thuộc mặt một ông già lập dị đẩy xe đạp lên núi xuống thung lũng, nhặt nhạnh hoặc mua lại từng mô hình cối xay gió, đế cắm cây thông Giáng sinh, dây truyền lực, máy phát điện, bóng điện, máy quay đĩa, bánh răng cưa v.v.
Nhưng khi về đến nhà thì không ai, kể cả vợ ông, được phép nhìn thấy đống ve chai mà ông tha lôi về chất đầy nhà kho. 8 năm trời, ông khóa trái cửa và làm việc trong đó. Ông ghép nối hàng ngàn thứ đồ nhặt nhạnh thành một cỗ máy theo thiết kế tưởng như ngẫu hứng. Rồi ông cắm điện. Với kết quả như ta đã biết ở trên.
Khó có thể miêu tả tác phẩm của nông dân Gsellmann trong mấy dòng chữ. Ở quê hương ông, vùng núi Alps quanh năm tuyết phủ, người ta nhất trí gọi nó là “Cỗ máy thế giới”.
Muốn vận hành nó, phải bấm 12 nút. Sau đó cả một hệ thống đồ sộ bánh răng, đèn đóm, dây cua roa bắt đầu hoạt động. Cái chạy ngang, cái trượt dọc, cái kêu ken két, cái thở phì phò như bễ lò rèn, với đủ màu sắc và tốc độ khác nhau khiến người xem chóng mặt. Một thế giới bằng vật liệu vô hồn chợt sống dậy như ma trên tấm nền dài 6 mét, rộng 2 mét và vươn lên độ cao 3 mét.
Thấp thoáng trong khối chuyển động huyền ảo đó có mô hình Đài nguyên tử của Brusells, Chúa Giê su chịu nạn trên thập giá mạ vàng, tượng Đức Bà Đồng Trinh bằng thủy tinh giữa vòng hoa hồng nhựa lấp lánh sến súa, phin lọc chế hòa khí xe tải…
“Cỗ máy thế giới” của nông dân Gsellmann là một cuộc đẻ đau dài 23 năm
Nghệ thuật sắp đặt? Ban thờ? Kỹ thuật ngẫu hứng?
Đừng có mong Franz Gsellmann hé miệng giải thích một câu. Nhà thơ Áo Alfred Kolleritsch sau lần đến thăm nông dân Gsellmann tại nhà đã nói: “Ông này có lẽ rất hạnh phúc được chứng kiến sự chuyển động, được đối thoại với một thế lực siêu hình nào đó?” Giải thích thế thì ai mà chả nói được. Gsellmann chỉ mỉm cười bí hiểm.
Nhiếp ảnh gia Franz Killmeyer, người từng theo chân Gsellmann 6 tuần liền trong cuộc truy tầm ve chai, có vẻ được nghe nhiều tâm sự hơn: “Gsellmann luôn giải thích hành vi của mình bằng một ý duy nhất: Chúa đã chỉ đường cho tôi.” Vậy nên đoán đó là ban thờ? Gsellmann lại mỉm cười đa nghĩa.
Ông ra đời năm 1910 trong một gia đình nông dân chân chất, và qua đời năm 1981 mà không có mấy sự kiện lớn lao trong đời. Là trò cười của người làng và mãi mãi bí hiểm trong mắt khách tham quan, ông sống cuộc đời cô đơn nhưng có vẻ rất thỏa mãn. Năm 14 tuổi, cha ông khuyên con trai thôi học để tiếp quản nông trại của gia đình. Gsellmann cưới cô gái Mathilde cùng làng và có vẻ sẽ có cuộc đời phẳng lặng như của đại đa số dân vùng núi.
Nhưng 1958, triển lãm thế giới Expo đầu tiên sau Thế Chiến II diễn ra tại Brussels, và biểu tượng Đài nguyên tử (Atomium) của nó với 9 quả cầu khổng lồ tượng trưng cho sức mạnh khoa học đã theo báo chí về tận vùng núi bình lặng này. Gsellmann lập tức mê mẩn vì biểu tượng hoành tráng này, ông lập tức lên tàu đi Brussels, ba ngày ròng rã trên đường ray tiến về phía thế giới rộng mở. Và khi người nông dân 48 tuổi từ một làng quê Áo ngơ ngác đứng trước công trình cao hơn 100 mét, ông biết: đây là cái còn thiếu trong cuộc đời của ông bấy nay.
Chuyến đi 3 ngày về quê
…đủ để làm ra kế hoạch cho phần đời còn lại của nông dân Gsellmann. Thoạt tiên ông lắp một mô hình mini của Atomium - hôm nay vẫn là trái tim của “Cỗ máy thế giới”. Vốn đã là người hướng nội, từ nay ông không bắt chuyện với ai nữa. Mỗi ngày ông chui vào nhà kho vài tiếng. Các cửa sổ được ông bịt kín bằng màn vải, khiến Mathilde cũng không biết ông làm gì trong đó, thậm chí còn không được giải thích vì sao ông bỏ bê ruộng đồng.
Gia đình chỉ đủ sống lay lắt bằng nông sản tự sản tự tiêu, vì có bao nhiêu tiền là Gsellmann cầm đi mua ve chai hết. Dần dần chỉ còn con trai và con dâu nhà Gsellmann điều hành nông trại và họ cũng quen gạt bỏ mọi câu hỏi. Quả thật, cỗ máy chẳng ảnh hưởng đến ai, chỉ vận hành trơn tru, tuy không cho ra một sản phẩm nào ngoài những hiệu ứng quang học và cơ học mà người ngoài cho là vô nghĩa.
Mathilde nói: “Ông ấy tin là cỗ máy này có một cuộc đời riêng! Một ngày nào đó nó sẽ cho ra sản phẩm mà chồng tôi không hề có trong hoạch định, như con gà đột nhiên đẻ trứng vậy!”.
Sau cú phá mạng lưới điện đầu tiên, rồi thì Gsellmann cũng hoàn thành tác phẩm để đời của mình và mở cửa kho cho vợ con chiêm ngưỡng nó.
Franz Gsellmann còn lắp ráp thêm đủ thứ vào cỗ máy này cho đến cuối đời. Và mỗi khi buồn bã vì bị xung quanh chê cười, ông leo lên tầng áp mái - kho chứa đại mạch của gia đình - và trốn trên đó mấy ngày liền. Ông trải chiếc chăn dạ lên đống thóc, gối đầu lên tay và co chân ngủ, với nụ cười mãn nguyện trên môi như một đứa trẻ sau khi bú mẹ.
Một ngày 1981, nông dân Gsellmann đi vào bếp, nói với vợ con là cỗ máy đã xong, gia đình muốn làm gì với nó thì làm. Rồi ông lên giường, thở hơi cuối cùng, giã biệt cái thế giới không chịu hiểu ông. Ít nhất thì đó là giai thoại mà mỗi năm khoảng 10.000 du khách đến đây tham quan được nghe kể. Như chuyện cổ tích. Quá đẹp để có thật.
Nhưng, tại sao lại không thể thật?
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags