- Cụ bà 102 tuổi nội tạng khỏe như người tuổi 30 nhờ ăn 1 loại thực phẩm có giá rẻ bèo: Ích thận, bổ gan, tim cũng khỏe mạnh hơn nếu dùng thường xuyên
- Từ 1000 cổ phiếu mà chồng để lại, cụ bà 75 tuổi đầu tư chứng khoán rồi kiếm 50 tỷ đồng trong 8 năm: "Kỹ xảo" hốt tiền là "mua ở đầu gối và bán ra ở vai"
Bà Nguyễn Thị Sợi (79 tuổi, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã có 57 năm gắn bó với trại phong Đá Bạc, xã Minh Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Một mình trong căn nhà hoang
Trước thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi trở lại trại phong Đá Bạc nằm giữa những ngọn núi thưa thớt dân cư ở xã Minh Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Lúc này bà Sợi đang quét dọn xung quanh căn phòng của mình và chăm vài con gà chờ Tết.
Tiện thể có người đến thăm, bà Sợi dừng tay rồi hỏi chúng tôi: "Khách đến thăm tôi hả". Rồi bà Sợi bảo, bà đang dọn dẹp vì đoán mỗi dịp Tết thường có người đến thăm hỏi và để con rắn con rệp đỡ bò vào.
Kéo chúng tôi vào căn nhà rêu mọc khắp các chân tường, riêng khu vực chiếc giường và bộ bàn ghế đã được các tình nguyện viên dán cho những tấm trang trí bằng xốp, bà Sợ nói, khoảng chục năm trở lại đây nhiều người đã không còn mặc cảm, các đoàn khách thi thoảng cũng đến thăm vào các dịp lễ tết nên phần nào bà Sợi bớt đi nỗi cô đơn tột cùng.
"Hôm nay bà vui vì có người đến nói chuyện, bầu bạn. Khi các cháu về bà lại lủi thủi, côi cút một mình, chỉ còn làm bạn với mấy con chó và mấy con gà", bà Sợi nói với chúng tôi.
Về cuộc đời mình, bà Sợi chỉ biết khi mới 5 tuổi thì cha mẹ, họ hàng chối bỏ đưa đến huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc và được một gia đình nhận nuôi.
Lên 17 tuổi, trong một lần đoàn bác sĩ Bệnh viện Da Liễu tổ chức khám bệnh cho toàn dân, khi có kết quả, bà Sợi khi đó là một cô gái trẻ như chết lặng biết mình mang căn bệnh phong vô phương cứu chữa.
"Lúc bác sĩ chọc kim tiêm vào hỏi tôi có đau không, tôi bảo không đau. Thế là bác sĩ nhận định tôi bị bệnh phong, tôi giật mình và chỉ biết khóc và chấp nhận số phận. Hồi ấy, ở quê tôi cứ ai mắc căn bệnh này đều bị mọi người xa lánh. Bố mẹ nuôi tôi cũng đã cho tôi ngủ dưới bếp, ăn riêng bát đũa. Tôi nén chịu những cơn đau nhức, đi làm ruộng như những người bình thường để che giấu căn bệnh quái ác. Thế rồi dần dần những ngón chân, ngón tay tôi cứ phồng rộp lên teo đi, dân làng cũng biết chuyện, người ta gọi tôi là hủi. Mọi người thấy mình liền vội vàng xa lánh. Khi thấy hình ảnh người ta kéo nhau ra một chỗ rỉ tai nhau là tôi lại thất vọng", bà Sợi nhớ lại.
Hơn 50 năm gắn bó với nơi này, bà Sợi đã quen với cảm giác cô đơn
Sau vài năm ẩn mình ở quê nhà, 22 tuổi, bà Sợi được gia đình và chính quyền chuyển đến trại phong Đá Bạc để ở, điều trị và gắn bó đến tận bây giờ.
"Nếu không có trại phong này, có lẽ tôi chẳng được sống đến tận bây giờ. Ở đây cứ chiều tối khi mặt trời dần khuất núi lại nhìn ra bên ngoài xung quanh là núi, tối om, ai cũng phải bật khóc. Ai cũng tủi thân khi chính mình bị người thân, họ hàng xa lánh, nghĩ sống đơn độc suốt cuộc đời. Cũng may vì vào đây, tôi được sống chan hòa với nhiều người cùng cảnh ngộ, chia sẻ về cuộc sống nhau", bà Sợi kể.
Bệnh nhân duy nhất còn sót lại và niềm hạnh phúc khi được sống
Trại phong Đá Bạc được xây dựng vào những năm 1950, trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phú, sau là Vĩnh Phúc và nay đã thuộc Hà Nội.
Bà Sợi chia sẻ, mới đầu được đưa vào đây sinh sống, ăn uống sinh hoạt rất khó khăn, mỗi bữa chỉ được một tô cơm nhưng bà vẫn cảm thấy được an ủi nhờ có thêm những người cùng số phận. Vào thời điểm đông đúc nhất, tại đây có hơn 150 bệnh nhân điều trị và sinh sống.
Thế nhưng đến cuối đời, bà lại chấp nhận sự cô độc ấy một lần nữa. Vào năm 2013, chính quyền TP Hà Nội quyết định di dời trại đi nơi khác nhằm đảm bảo tốt hơn các điều kiện sinh sống cho bệnh nhân. Nhiều người đã chuyển tới trại mới, một số người lại trở về sống với gia đình. Chỉ có 10 người xin ở lại vì đã gắn bó với nơi này quá lâu. Trải qua năm tháng, một số người xin ở lại đây đã qua đời, vài người tiếp tục được con cháu đón về chăm nom lúc tuổi già.
Giờ đây, trại phong này chỉ còn lại bà Sợi ở lại sống đơn độc trong căn phòng bỏ hoang giữa núi đồi. Bà quyết định không chuyển đến trại phong khác.
"Từ ngày bắt đầu vào đây đã 57 năm rồi, nó như quê hương, gia đình tôi vậy. Với lại còn ở lại hương khói cho những người bạn, những bệnh nhân từng ở trại phong đã chết, được chôn cất trên ngọn đồi. Tôi đi rồi họ ở lại lạnh lẽo, cả năm chẳng ai thắp cho nén nhang", bà Sợi cho hay.
Bằng đấy năm, nhưng chỉ khoảng từ 10 năm trở lại đây sau khi một bác sĩ người Anh đến làm việc, ông trực tiếp sinh sống tại đây để tìm hiểu căn bệnh và có hướng điều trị, chứng minh nó không còn là nguy hiểm như mọi người nghĩ. Kể từ thời gian đó, từng người, từng người được con cháu đón về vì xã hội cũng không còn xa lánh những bệnh nhân như trước nữa.
Từ khi mọi người chuyển đi, ở lại khu trại phong chỉ còn bà Sợi sống biệt lập với xã hội.
Năm hết Tết đến, bà Sợi dọn dẹp để đón người thân đến hỏi thăm
Tận dụng mảnh vườn hoang trong trại, bà Sợi nuôi gà và trồng rau để làm thực phẩm sống qua ngày. Mỗi tháng, bà Sợi được nhận trợ cấp 700.000 đồng từ nhà nước. Nuôi được đàn gà thi thoảng bà lại bán lấy tiền mua thóc gạo để ăn và chăn nuôi.
Bà Sợi bảo, những năm gần đây đã đỡ tủi thân vì mỗi lần đến Tết ngoài các cán bộ, chính quyền, nhờ có báo chí mà có thêm nhiều đoàn từ thiện, sinh viên tình nguyện đến thăm hỏi, bà Sợi bớt tủi thân hơn
"Tôi cứ ở lại đây xem cuộc sống nó thế nào. Bao năm qua, tôi không được cảm giác người thân quây quần bên cạnh.", cụ bà rơi nước mắt.
Hiện nay chỉ còn duy nhất bà Sợi bám lại cơ sở này
Nói xong, bà Sợi chuẩn bị bữa cơm trưa, cắm một nồi cơm ăn cả ngày, có khi sáng hôm sau lại rang với trứng gà và vài hạt lạc…
"Cũng may bây giờ mọi người khi gặp tôi cũng vui vẻ chào đón và chia sẻ tình cảm với mình. Lúc rảnh rỗi tôi lại đạp xe đi ra chùa hay đi mua đồ ăn đồ uống. Đó cũng là điều tôi vui và lấy làm động lực sống chứ không mong ước gì cao sang hơn nữa", bà Sợi nói.
Tags