(Thethaovanhoa.vn) - Tối 1/8, chung kết nội dung chạy 100m nam Olympic 2020 đã diễn ra đầy bất ngờ. Người giành huy chương vàng là cái tên lạ lẫm, Lamont Marcell Jacobs. VĐV tới từ Ý đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh để về nhất với thành tích 9,80 giây.
* Xem bảng xếp hạng huy chương Olympics 2020 mới nhất:
Thành tích này biến Marcell Jacobs trở thành VĐV người Italy đầu tiên giành huy chương vàng chạy 100m nam trong lịch sử 125 năm của Thế vận hội. Giờ đây, anh được gọi là “người đàn ông chạy nhanh nhất thế giới”.
Hành trình đến vinh quang
Marcell Jacobs bắt đầu thi đấu điền kinh vào năm 9 tuổi. Ban đầu, nội dung sở trường của VĐV sinh năm 1994 này là nhảy xa. Thành tích lớn nhất của anh ở môn nhảy xa là chức vô địch Ý với cự ly 7,89m vào năm 2016.
Chỉ khi giành huy chương vàng chạy cự ly chạy 100m ở Giải vô địch Ý năm 2018 với thành tích chưa tới 10 giây, Marcell Jacobs mới quyết tâm theo đuổi nội dung này. Tháng 5/2021, Marcell Jacobs lập kỷ lục Ý ở nội dung 100m với thời gian 9,95 giây và trở thành người thứ 150 trong lịch sử hoàn thành cuộc đua với thành tích dưới 10 giây.
Đạt thành tích cao ở đấu trường quốc nội, nhưng ở Olympic 2020, Marcell Jacobs là cái tên ít ai biết đến bởi anh sở hữu bảng thành tích xoàng nhất so với nhóm đối thủ mạnh. Ngay cả ở Italy, người ta cũng không nghĩ anh sẽ lọt vào đến chung kết của nội dung 100m. Các nhà cái chỉ đặt cược 3% cho khả năng Marcell Jacobs giành chiến thắng tại Thế vận hội 2020. Chẳng hề vô lý bởi Marcell Jacobs thậm chí không nằm trong Top 10 VĐV chạy nhanh nhất năm.
Trên đường chạy 100m, sự chú ý đổ dồn vào những VĐV có thành tích cao để chờ đợi xem ai là người có thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của huyền thoại Usain Bolt. Người ta chờ đợi sự tỏa sáng của Andre de Grasse, VĐV người Canada đã “làm mưa làm gió” cự ly 100m kể từ sau khi giành HCĐ Olympic Rio 2016, của Akani Simbine và Gift Leotlela, bộ đôi VĐV nổi tiếng của Nam Phi hay bộ ba VĐV triển vọng của Mỹ Trayvon Bromell, Ronnie Baker và Fred Kerley…
Nhưng ở bán kết, Bromell và Leotlela bị loại. Simbine lọt vào chung kết, song hụt hơi ngay từ những bước chạy đầu tiên. Kerley đã có khởi đầu tốt, xuất phát nhanh như chớp, giữ vị trí dẫn đầu ở nửa chặng đầu. Nhưng rồi Marcell Jacobs đã âm thầm vươn lên và vượt qua các đối thủ mạnh ở nửa sau chặng đường. Để cuối cùng, những bước chạy dũng mãnh đưa anh cán đích đầu tiên với thành tích 9,80 giây.
Tên Marcell Jacobs được hô vang ở Sân vận động Quốc gia Tokyo. Chiếc huy chương vàng điền kinh 100m nam Olympic lần đầu tiên thuộc về một chàng trai đến từ Ý. Marcell Jacobs đã chấm dứt 25 năm thống trị của các VĐV chạy nước rút đến từ châu Mỹ, trở thành người châu Âu đầu tiên giành huy chương vàng Olympic cự ly 100m kể từ sau khi Linford Christie (Anh) giành chiến thắng tại Barcelona 1992. Marcell Jacobs cũng trở thành “Nhà Vua” mới của đường đua 100m Olympic kể từ khi Usain Bolt thống trị nội dung này ở ba kỳ Thế vận hội gần nhất 2008, 2012 và 2016.
Hành trình tìm cha
“Tôi rất hạnh phúc, con trai tôi đã giành được huy chương vàng tại Thế vận hội! Nó đã đạt được ước mơ của mình, nó xứng đáng với điều đó bởi những nỗ lực trong cuộc đời nhiều khó khăn”, bà Viviana Masini, mẹ của Marcell Jacobs, tự hào chia sẻ khi cùng người thân theo dõi con trai thi đấu qua màn hình tivi ở Ý.
Marcell Jacobs sinh ra ở Texas trong gia đình có bố là người Mỹ. Khi Marcell Jacobs mới 6 tháng tuổi, bố mẹ chia tay. Bố anh là quân nhân, điều chuyển cùng đơn vị tới Hàn Quốc. Mẹ Marcell Jacobs đưa anh trở về quê nhà Ý. Thuở nhỏ, Marcell Jacobs có thể trạng yếu ớt và thường phải đối diện với câu hỏi: “Cha anh là ai?”. “Ở trường, tôi đã gặp khó khăn. Giáo viên đã bảo tôi vẽ gia đình của mình. Tôi chỉ vẽ mẹ mình và tôi gặp rắc rối từ đó. Bạn bè cứ hỏi ‘Cha của bạn là ai’ và tôi nói ‘Ông ấy không tồn tại’”, Marcell Jacobs kể lại.
Trong nhiều năm, Marcell Jacobs đã dựng lên một bức tường, cố trốn chạy khỏi những câu hỏi. Khi cha cố gắng liên lạc với Marcell Jacobs qua Facebook, ban đầu anh phớt lờ. “Tôi ghét ông ấy vì đã bỏ rơi tôi”, Marcell Jacobs nói. Nhưng dần dần, anh thay đổi quan điểm. Anh nghĩ: “Ông ấy đã cho tôi cuộc sống. Tôi đánh giá ông ấy mà không biết gì về ông ấy”. Và Marcell Jacobs quyết định tìm hiểu.
Khoảng một năm trước, Marcell Jacobs đã lần đầu tiên trò chuyện với cha mình. Ông có tên Marcell Jacobs Sr, hiện đang sống ở Dallas, Texas.
Sau khi giành huy chương vàng Olympic Tokyo 2020, Marcell Jacobs đã chia sẻ câu chuyện của mình. “Tôi đã sống cả quãng đời không có bố. Khi mọi người hỏi tôi ‘Bố của anh là ai?’, tôi nói rằng ‘Tôi không biết’. Sau đó, tôi cố gắng tìm hiểu. Tôi chưa bao giờ gặp bố tôi. Nhưng tôi đã bắt đầu nói chuyện với ông ấy lần đầu tiên cách đây một năm”.
Tìm kiếm cha và xây dựng một mối quan hệ mới là một phần trong quá trình chuẩn bị trước Thế vận hội 2020 của Marcell Jacobs. Và sự chuẩn bị này đã rất đúng đắn. Về ý nghĩa tinh thần, nó đã tạo cho Marcell Jacobs sự khác biệt. Anh chia sẻ: “Khi bước vào thời điểm quyết định, đôi chân của tôi lại hoạt động không tốt lắm. Cuộc trò chuyện với cha đã giúp tôi đến Olympic với tâm lý tốt. Điều đó thực sự quan trọng”.
Bên cạnh khát khao từ thuở bé, điều thôi thúc Marcell Jacobs tìm cha là bởi bản thân anh cũng là cha của 2 đứa trẻ. Trên cơ thể rất nhiều hình xăm của mình, Marcell Jacobs khắc tên hai con, Anthony (2 tuổi) và Megan (9 tháng). Khi được hỏi sẽ chia sẻ gì với các con khi trở về nhà, Marcell Jacobs nói: “Tôi sẽ nói với các con tôi rằng chúng nên theo đuổi ước mơ của mình. Khi còn nhỏ tôi đã mơ về việc giành được huy chương vàng Olympic và bây giờ điều đó đã thành sự thật”.
Dự định xa hơn của Marcell Jacobs là một cuộc gặp mặt của đại gia đình, bên người bố Marcell Jacobs Sr. “Hãy cố lên con trai, ta tin con sẽ làm được”, trước khi Marcell Jacobs thi đấu, ông đã nhắn tin động viên anh.
Khánh Đan
Tags