Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với ba trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tỉnh xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thay đổi nhận thức về công nghệ số
Để Nghị quyết 52-NQ/TU đi vào cuộc sống, tỉnh Bắc Ninh triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chương trình, giải pháp phù hợp thực tế từng ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm.
Tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số. Mặt khác, tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi cấp tỉnh, cấp huyện. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp thôn với hơn 3.000 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là một trong những cách làm hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của người dân.
Từ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và nỗ lực của các cấp, ngành, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tích cực. Năm 2023, nhiều chỉ tiêu quan trọng chuyển đổi số của Bắc Ninh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử trung bình cấp tỉnh đạt 96,25%; cấp huyện đạt 96,72%, cấp xã đạt 98,3% (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra giai đoạn 2021-2025). Tỷ lệ tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động của toàn tỉnh đạt 92,3%; chuẩn hóa gần 226.000 thuê bao thuộc nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao; cấp phát hơn 14.000 chữ ký số công cộng, cấp chữ ký số cho hơn 1.400 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh...
Về triển khai nộp thuế điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có trên 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, chứng từ nộp thuế điện tử; 100% trường đại học, cao đẳng và bệnh viện cấp tỉnh thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng; 100% chi nhánh trực thuộc Công ty Điện lực Bắc Ninh, đơn vị cấp nước trong tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng. Tỷ lệ chi trả chế độ bảo hiểm xã hội một lần thực hiện qua ngân hàng về số lượt người và giá trị chi trả đạt trên 75%.
Ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Người dân quen dần với xu thế này và từng ngày nỗ lực thích ứng, tự hoàn thiện kỹ năng công nghệ thông tin trở thành những công dân số.
Chị Tạ Thuỳ Liên ở phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh chia sẻ, ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày mang lại nhiều tiện ích. Giờ đây, các bà, các chị đi chợ chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có thể mua "cả thế giới" về nhà. Tại các trung tâm hành chính công, việc giải quyết thủ tục hành chính rất nhanh gọn nhờ hình thức đăng ký online.
Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người dân
Từ tháng 1/2024, Bắc Ninh thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với các đối tượng đủ điều kiện. Qua đó, từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong chi trả chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.
Tại Hội nghị triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung cao điểm chiến dịch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Đoàn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện có 97.620 đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó, đối tượng bảo trợ xã hội chi trả trợ cấp hằng tháng là hơn 80.800 người, còn lại người có công được chi trả trợ cấp. Ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chủ trì đã chủ động phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng.
Hiện nay, các Phòng nghiệp vụ của Sở tiếp tục nắm bắt tình hình ở quận, huyện, thị xã, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình mở tài khoản theo hướng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bảo đảm thực hiện đúng, đủ, kịp thời cho đối tượng.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trong tháng 1/2024 cơ bản các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi an sinh xã hội được mở tài khoản và chi trả trợ cấp hàng tháng qua tài khoản. Việc mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được triển khai tích cực; một số địa phương đạt kết quả cao như thị xã Thuận Thành trên 72%, thành phố Bắc Ninh hơn 70%.
Việc chuyển đổi chi trả trợ cấp an sinh xã hội từ hình thức tiền mặt sang không dùng tiền mặt góp phần vào công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.
Tags