(Thethaovanhoa.vn) - Trong vai John thánh chiến, gã là một nhân vật đáng sợ. Danh tính thực của gã bị che giấu sau chiếc khăn trùm đầu màu đen. Giọng điệu đe dọa của gã được hỗ trợ bởi một con dao to bự nhân danh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Các đoạn video được dàn dựng chuyên nghiệp của John thánh chiến thường bắt đầu bằng các tuyên ngôn chính trị và kết thúc với cảnh nạn nhân nằm chết dưới chân gã. John thánh chiến dường như vừa là thẩm phán, vừa là đao phủ. Gã không ngại giết người và còn khoái trá thực hiện các màn chém giết tàn bạo mới.
John thánh chiến không còn đáng sợ nữa
Sau các vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, nhiều người tin rằng những kẻ xấu sẽ lại dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt tự chế để tấn công các thành phố và gieo rắc sợ hãi. Tuy nhiên ít người có thể dự đoán được việc chỉ một gã đàn ông, với một cây dao, được sự hỗ trợ của một đội sản xuất video chuyên nghiệp, lại có thể gây tác động tương đương với việc dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhưng nay, khi John thánh chiến đã bị nhận diện là Mohammed Emwazi, những bí ẩn quanh gã đã nhanh chóng tan biến. Người ta biết được rằng gã chỉ là một thanh niên trẻ tới từ London, Anh, thuộc tầng lớp trung lưu, được giáo dục tốt, nhưng tức giận với chính quyền và xã hội đã nuôi dưỡng gã lớn lên.
Emwazi có thể vẫn cầm con dao to lớn kia, nhưng thế mạnh gã có được khi thủ vai người giấu mặt đã không còn nữa. Với việc danh tính Emwazi bị hé lộ, người ta dần thấy con người thực của gã. Hình ảnh Emwazi đội một chiếc mũ của đội bóng chày Pittsburgh Pirates không vừa vặn, mới được báo chí phương Tây công bố gần đây, thậm chí còn khiến người ta thấy gã thật thảm hại.
Từ nay, Emwazi có lẽ sẽ không còn đáng sợ nữa. Gã không còn có thể gửi những thông điệp khiến người ta lạnh gáy, thể hiện qua các màn sát hại dã man dân thường nhân danh Hồi giáo. Nhưng nếu Emwazi vẫn cố tình giết người man rợ thêm một lần nữa, yếu tố gây bất ngờ chắc chắn sẽ không còn. Người ta hẳn sẽ phản ứng rằng: "Chà, lại là hắn ta".
Ngoài ra, do chiếc mặt nạ của John đã rớt xuống, sẽ chẳng có nghi ngờ gì về việc gã sẽ trở thành mục tiêu của một vụ tấn công bằng máy bay không người lái, nếu Anh hoặc Mỹ biết gã ở đâu. Áp lực lớn dồn lên John thánh chiến có thể khiến gã không còn hữu dụng với lực lượng IS, nếu không muốn nói là trở thành gánh nặng.
Magnus Ranstorp, một chuyên gia chống khủng bố ở Đại học quốc phòng Thụy Điển, cho rằng Emwazi sẽ sớm bị đóng một vai trò nhỏ hơn tại IS, bởi mỗi lần gọi điện thoại, gã có thể khiến tình báo đối phương lần ra mình. IS có thể lo ngại Emwazi sẽ trở thành mục tiêu tấn công tiêu diệt của máy bay không người lái Anh và khiến kẻ khác chết theo. Ranstorp nói rằng việc nhận dạng ra Emwazi cũng khiến công chúng hy vọng rằng gã sẽ sớm phải đền tội.
"Đây là điều rất quan trọng với gia đình các nạn nhân đã bị gã giết" - ông đánh giá - "Họ sẽ biết cần phải hướng sự chú ý vào đâu. Họ biết rằng từ nay nhà chức trách sẽ tập trung săn lùng gã đao phủ, kẻ sẽ phải sống phần đời còn lại trong cảnh lo sợ sẽ có lúc bất ngờ bỏ mạng vì trúng tên lửa của máy bay không người lái.
Sẽ có kẻ khác thay thế?
Ở một phương diện khác, Emwazi trở thành ví dụ đáng sợ về xu hướng cực đoan hóa đang ngày càng trở nên mạnh hơn, không chỉ ở Anh mà còn tại Pháp, Bỉ, Đan Mạch và các nước Tây Âu khác.
Người ta biết rằng gã đến Syria vào đầu năm 2013, do ảnh hưởng từ phong trào thánh chiến Anh, trước khi IS chiếm được nhiều vùng đất và kêu gọi các chiến binh cực đoan tới giúp đỡ. Kể từ sau khi IS thành lập, lời kêu gọi tham gia thánh chiến đã tăng lên, một phần bởi những kẻ cực đoan dễ dàng tiếp cận được với các trang Internet mô tả vùng lãnh thổ của IS như một xã hội tôn giáo lý tưởng, nằm dưới sự quản lý của luật Shariah Hồi giáo. Tuần này, những người Anh đã chứng kiến 3 nữ sinh tuổi teen chạy trốn khỏi nhà riêng của họ ở London tới Syria, theo tiếng gọi của IS.
Cùng thời điểm, sự tăng lên của xu hướng cực đoan cũng làm gia tăng sự tức giận và căm ghét của dân Anh với Hồi giáo. Gần nửa số người Hồi giáo ở Anh trả lời một cuộc thăm dò của hãng truyền thông BBC trong tuần này nói rằng công chúng Anh đã ít khoan dung hơn với người Hồi giáo.
Chia đôi quan điểm của người Anh về Hồi giáo cực đoan rõ ràng là một trong những mục tiêu mà IS muốn đạt được. Chúng còn dùng giọng nói của Emwazi để nhắc người Anh nhớ rằng kẻ thù có thể đang sống ngay gần họ, lớn lên từ những con phố của nước Anh.
"Thực tế rằng Emwazi trông giống như mọi người dân Anh trẻ trung, bình thường khác thật đáng ngại" - John Gearson, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc gia tại trường King's College London nói. Tuy nhiên ông cho rằng việc phá bỏ lớp màn bí ẩn quanh Emwazi đã làm giảm tác động truyền thông của nhân vật này. "Giờ người ta biết rằng gã cũng chỉ là kẻ giết người" - ông nói.
Tuy nhiên trong trường hợp Emwazi không còn giá trị nữa, các chiến binh IS, với khả năng dùng mạng xã hội đã khiến giới quan sát kinh ngạc, chắc chắn sẽ tìm ra cách thức mới để gây sốc dư luận.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Tags