Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Bóng đá Đông Nam Á cần hướng đi mới'

Thứ Tư, 04/01/2023 09:56 GMT+7

Google News

Tấm vé vào bán kết của đội tuyển Việt Nam cũng như bức tranh toàn cảnh về bóng đá Đông Nam Á sau vòng bảng AFF Cup 2022 đã được chuyên gia Đoàn Minh Xương phác họa dưới góc nhìn của mình.

Chiến thắng "xông đất" năm mới 2023

* Thể thao & Văn hóa:Không quá khó khăn, đội tuyển Việt Nam đã giành tấm vé vào bán kết AFF Cup 2022. Đâu là những điều đọng lại sau trận thắng ĐTQG Myanmar cũng như hành trình vòng bảng của đội tuyển Việt Nam, thưa ông?

- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Mọi chuyện đã diễn ra đúng như dự đoán và cũng là dự tính của đội tuyển Việt Nam. Chúng ta đã có chiến thắng thong dong để vào chơi bán kết. Một chiến thắng đầu năm mới để "giữ lửa", đồng thời hoàn thiện những phương án chiến thuật trước khi bước vào những trận đấu quan trọng. Nói chung, chuyện vào chơi bán kết AFF Cup 2022 như một điều hiển nhiên của đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh chung của bóng đá khu vực vào lúc này.

Trở lại với trận đấu cùng Myanmar, ông Park đã cho ra sân đội hình Hà Nội FC và những người bạn. Về cơ bản, chúng ta đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí thắng để có vị trí nhất bảng, xoay tua cầu thủ và chơi với nhiều phương án tấn công.

Đội tuyển Myanmar đã lao lên chơi như đôi công với chúng ta như thế sẽ rất dễ đá cho đội tuyển Việt Nam. Nói thật, bây giờ khi đá với những đối thủ chơi đôi công như thế sẽ rất thuận lợi cho đội tuyển Việt Nam.

Cũng từ đó, để thấy rằng, nếu gặp phải đối thủ chơi giống cái cách đội tuyển Singapore đã từng làm sẽ mang lại nhiều phiền toái cho chúng ta. Với con người, cách chơi của đội tuyển Việt Nam lúc này sẽ rất khó thua, đối phương cũng rất khó ghi bàn.

Chúng ta có 10 điểm, không thua trận nào, không thủng lưới sau vòng bảng đã minh chứng cho sự cứng cáp đó. Tuy vậy, cũng phảng phất vài nét lo âu nếu gặp phải những đội bóng đổ bê tông "mác cao" hoặc họ chủ đích "phá" lối chơi của mình. Lúc đó, ông Park phải có những "đường binh" hữu hiệu, những quân bài trong tay áo để "giải vây" thế cờ.

Tôi có cảm giác, HLV Park Hang Seo cùng các học trò đang đi lại đúng hành trình AFF Cup 2018. 4 năm trước, bảng đấu của đội tuyển Việt Nam chỉ khác ở chỗ Campuchia thay cho Singapore và cũng mở đầu bằng chiến thắng trên sân Lào (3-0), cũng nghỉ ở lượt trận thứ 2 rồi đánh bại Malaysia tại Mỹ Đình và thẳng tiến đến ngôi vô địch lần thứ 2 sau 10 năm. Cùng chờ mong lịch sử lập lại để HLV Park có danh hiệu cuối cùng cùng bóng đá Việt Nam.

Chất lượng giải đấu chưa được cải thiện

* AFF Cup 2022 đã kết thúc vòng bảng, chủ nhân của 4 tấm vé vào bán kết đều là những cái tên quen thuộc Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ông có thể phác họa về bức tranh toàn cảnh của các nền bóng đá trong khu vực?

- Ngày hội bóng đá Đông Nam Á năm nay diễn ra trong bối cảnh World Cup vừa kết thúc. Tuy vậy, các ĐTQG cùng người hâm mộ trong khu vực vẫn rất coi trọng ngôi vô địch sân chơi này, dành nhiều sự quan tâm cho giải đấu. AFF Cup chính là bước đệm để mỗi nền bóng đá trong khu vực dựa vào đó tạo ra động lực phát triển.

AFF Cup 2022 đã xong vòng bảng, kịch bản quen thuộc ở những giải đấu đã qua lặp lại. Đẳng cấp cùng trình độ giữa các đội nhóm đầu và cuối có sự chênh lệch đáng kể. Không có chỗ cho "ngựa ô", chức vô địch năm nay là sự cạnh tranh của 4 đội bóng: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Bóng đá Đông Nam Á cần động lực mới, hướng đi mới” - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch ở vòng bảng nhưng thử thách của Tuấn Hải và đồng đội chỉ thực sự đến từ bán kết. Ảnh: Hoàng Linh

Có cảm giác, từng trận đấu đã qua như thể những cữ dợt của các nhóm thế lực và sân khấu lớn thực sự chỉ có thể bắt đầu từ vòng bán kết trở đi. Dẫu biết, khi bước vào một sân chơi, tất cả đều phải thi đấu và cống hiến hết khả năng nhưng đòi hỏi làm sao được những đội tuyển như Lào, Brunei hay Campuchia…, có thể thi đấu một cách sòng phẳng với các đội nhóm trên. AFF Cup suy cho cùng vẫn là cuộc chơi riêng của những ĐTQG tên tuổi và có "thâm niên" vô địch xuyên suốt lịch sử.Truyền thống và sức mạnh của thế lực cũ vẫn là giá trị lớn nhất được nhìn nhận cho đến lúc này.

* Từ vòng bảng, ông có thể đưa ra những cảm nhận của mình về chân dung của những ĐTQG vào chơi các trận bán kết giải đấu năm nay?

- Minh chứng rõ nét nhất được nhìn nhận ở đội tuyển Thái Lan khi họ không còn duy trì được sự quyết tâm như 1 năm trước. "Voi chiến" đến AFF Cup mà không có sự phục vụ của những ngôi sao tên tuổi như Chanathip, Supachok.

Ngay cả bản quyền giải đấu cũng chỉ được truyền hình Thái Lan mua ở thời điểm đã khởi tranh. Với một nền bóng đá đã có đến 6 lần lên ngôi tại AFF Cup, việc Thái Lan không còn quá mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Họ vừa để Indonesia cầm hòa 1-1 là dấu hiệu xấu cho khả năng bảo vệ ngôi vô địch.

Các ĐTQG còn lại không quá khó khi tất cả đều có biểu đồ đẳng cấp đi xuống hoặc đang trong chu kỳ tái thiết.Đội tuyển Malaysia được dẫn dắt bởi HLV người Hàn Quốc Kim Pan Gon. Từ khi ngồi vào "ghế nóng" thay HLV Tan Cheng Hoe đầu năm nay, ông Kim Pan Gon đã thổi luồng sinh khí mới. Tương tự, với Indonesia, họ đặt niềm tin vào HLV người Hàn Quốc khác là ông Shin Tae Yong.

Chiến lược gia này đã "hồi sinh" nền bóng đá xứ Vạn đảo. Giờ đây, với các giải đấu từ cấp độ trẻ đếnĐTQG, Indonesia luôn bước vào thi đấu với vị thế ứng viên vô địch. Tại AFF Cup 2021, thầy trò HLV Shin Tae Yong thất bại trước người Thái trong trận chung kết. Vì thế, tại giải lần này, quyết tâm chiến thắng để phá bỏ lời nguyền "vua về nhì" của họ được nhân đôi.

Cần xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ

* Vậy đâu là động lực mới, hướng đi mới mà bóng đá Đông Nam Á cần phác thảo cho câu chuyện phát triển trong tương lai?

- Có thể hình dung, sự mất cân bằng và chênh lệch về đẳng cấp tại AFF Cup phụ thuộc vào quá trình phát triển bóng đá của từng quốc gia. Ở đó, hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của mỗi quốc gia trong khu vực sẽ đóng vai trò quyết định.

Thực tế, chỉ có V-League, Thai League là đang phát triển với sự chuyên nghiệp và bài bản. Còn lại, những giải đấu khác dù thuộc các nền bóng đá trong khu vực như vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Những nền bóng đá kém phát triển hơn như Lào, Brunei, Campuchia thì sẽ còn rất lâu nữa mới bắt kịp trình độ với các nước láng giềng.

Nếu chỉ trong khu vực vẫn chưa thể tạo nên những sự bứt phá và ganh đua thì rất khó có thể nâng cao trình độ để cạnh tranh ở cấp độ châu lục. Không nhiều đội tuyển thuộc Đông Nam Á có thể làm nên chuyện tại các giải đấu châu Á, thậm chí các CLB thuộc hệ thống các giải đấu lớn nơi đây cũng tỏ ra "lép vế" tại AFC Champions League. Sự chênh lệch về đẳng cấp của bóng đá Đông Nam Á với châu lục có lẽ sẽ được nhìn thấy rất rõ tại Asian Cup 2023 sắp đến. 

Cùng với đó, hệ thống đào tạo trẻ và xuất khẩu cầu thủ bản địa sang nước ngoài thi đấu cũng không phải là điểm mạnh của bóng đá Đông Nam Á. Sẽ cần thêm rất nhiều phương hướng dựa trên sự chung tay của các liên đoàn trong khu vực, vừa để nâng tầm các giải VĐQG vừa tăng cường công tác đào tạo, cọ xát với các nền bóng đá tiên tiến hơn, đồng thời đẩy lùi những tiêu cực và hạn chế vẫn còn đang hiện hữu.

Mô hình từ những nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc rất đáng để học hỏi từ hệ thống các giải VĐQG cho đến phương hướng phát triển đội tuyển. Chỉ là, để đi từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một quá trình dài đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau.

Bóng đá Đông Nam Á muốn thoát khỏi "vùng trũng" của thế giới sẽ còn rất nhiều điều cần làm. Trên hết là sự hợp tác để cùng phát triển của cả khu vực và hướng đến một tương lai tốt hơn. Tất cả phải được dựng xây đồng bộ trên nhiều yếu tố từ thời gian, tiền bạc, công sức, tư duy. Điều cốt lõi, mọi thứ phải được đặt vào đúng mục đích và giá trị. 

* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Trần Tuấn (ghi)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›