(Thethaovanhoa.vn) - Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định: “Sau 19 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam luẩn quẩn vẫn đâu vào đó, không nhiều sự tiến bộ nhưng cũng không có gì sửa đổi để tiến lên”.
Đánh giá về vị trí thứ 5 khu vực, hạng 22 châu Á mà V-League vừa được Liên đoàn bóng đá châu Á AFC xếp hạng, cựu HLV U20 Việt Nam cho biết: “Điều đó phản ánh đúng những gì đang xảy ra ở V-League. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan vượt trội hơn hẳn, Malaysia, Philippines thì tạm nhích hơn chúng ta còn Indonesia, Myanmar có lẽ cũng đang trong tình trạng như V-League.
Sau 19 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, các CLB V-League thì không kiếm nổi ra tiền, sống chủ yếu bằng tiền của ông bầu. Tuy nhiên các ông bầu đến với bóng đá không đơn thuần là vì đam mê mà còn vì lý do khác nữa. Trải qua quá trình dài gần hai thập kỷ nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có CLB nào có thể gọi là chuyên nghiệp, có đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tài chính, truyền thông, tiếp thị... vẫn sống bằng niềm vui của các ông bầu thôi”.
VIDEO: Nhận định Đà Nẵng vs SLNA (17h, 19/4), vòng 6 V-League 2019. Trực tiếp VTV6, BĐTV
“Nhiều năm qua, V-League cứ luẩn quẩn chuyện tiêu cực về trọng tài, vấn nạn bạo lực, xin cho điểm, thứ bóng đá tình cảm cứ lặp đi lặp lại. Do đó, tính cạnh tranh không cao. Các CLB chỉ mục đích giữ hạng chứ ít đội tham vọng vô địch. Mà đá để trụ hạng thì đương nhiên sẽ có chuyện này nọ xảy ra. Tham dự đấu trường châu lục thì không đủ sức, đá thua sớm về sớm. Rõ ràng đã đến lúc VFF phải tổng kết bóng đá chuyên nghiệp sau gần 20 năm làm được gì để có những đề xuất cho cơ quan chức năng, Chính phủ một chiến lược phát triển bóng đá chuyên nghiệp bài bản hơn. Sẽ không ổn khi duy trì mô hình bóng đá chuyên nghiệp hình tháp ngược như thế này, khi V-League nhiều đội hơn hạng Nhất. Theo tôi nghĩ với tiềm lực tài chính, con người, cơ sở vật chất hiện tại thì V-League bây giờ có khoảng 8-10 đội là hết mức. Có như vậy mới duy trì được tính cạnh tranh, xây dựng được CLB mạnh, đủ sức thi đấu ở châu lục để làm thương hiệu cho bóng đá Việt Nam”, ông Đoàn Minh Xương nói tiếp.
“Nói về bóng đá bạo lực thì cụ thể gần đây trận Hải Phòng và SHB Đà Nẵng gây bức xúc cho dư luận. Điều này xuất phát từ CLB cái đã. Nếu CLB quan tâm hình ảnh, thương hiệu đội bóng sẽ giáo dục sự chuyên nghiệp cầu thủ, có tinh thần thể thao cao thượng. Nếu làm tốt điều đó thay vì tư tưởng vào sân “đá chết chúng nó đi” thì rất khác. Hiện nay nếu các CLB không duy trì thói quen bao bọc trọng tài thì làm sao trọng tài sai sót, làm sao trọng tài Việt bắt tốt ở nước ngoài nhưng về nhà lại mắc lỗi được. Công tác trọng tài thì chưa có minh bạch, từ đào tạo đến sử dụng, phân công, đánh giá.. đây là mớ bùng nhùng trong vòng bí mật, phải đi theo dây mới lên thì làm sao tiến bộ được”.
“Một điều nữa là VFF, VPF thường không nghiêm khắc với hiện tượng tiêu cực. Nhiều trường hợp chỉ gửi đơn thư nhắc nhở thay vì phải phạt nặng để răn đe. Đang đá trong mùa giải thì có công văn đòi tiền CLB Thanh Hóa, như thế đúng là không giống ai. Việc các ĐTQG thời gian qua thành công một phần nhờ bóng đá Việt Nam đang sở hữu một lứa trẻ ngoan, có năng lực kết hợp với HLV phù hợp. Hết lứa này thì có thể chuyện sẽ đâu vào đấy.
Nếu muốn tiến bộ phải tự nhận mình đang hạn chế những gì. Đừng nghĩ mình đỡ hơn nhiều quốc gia khác để xuề xòa mà phải nhìn thẳng vào yếu kém để có giải pháp, lộ trình làm việc để phát triển bóng đá nước nhà mới mong tiến bộ. Đừng nghe người ta khen, đừng tự nhận mà hãy nhìn vào thực tế, sống dựa vào lời khen người ngoài thì không thể đi lên được”, cựu HLV CLB TP.HCM nói.
Việt Hà (ghi)
Tags