Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nhân tố chính dẫn đến các đợt nắng nóng cực đoan trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong tháng 7 này. Đây là đánh giá mà một nhóm nhà khoa học quốc tế đưa ra ngày 25/7.
Từ đầu tháng 7 đến nay, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân ở nhiều nước trên thế giới. Nền nhiệt ở Trung Quốc, Mỹ và Nam Âu đã phá vỡ mức kỷ lục, gây ra nhiều vụ cháy rừng, thiếu thốn nước sinh hoạt và gia tăng trường hợp nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng. Điển hình là các vụ cháy rừng đang lan rộng ở một số đảo của Hy Lạp, nhất là cháy rừng ở đảo Rhodes, khiến hàng nghìn du khách phải đi sơ tán. Nguyên nhân gây ra những vụ cháy rừng này là do nắng nóng kỷ lục ở Hy Lạp.
Theo nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, những hiện tường thời tiết trên sẽ "hiếm khi xảy ra" nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tại buổi họp báo, nhà khoa học Izidine Pinto của Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan, một trong số các tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: "Nhiệt độ tại châu Âu và Bắc Mỹ sẽ không thể cao như vậy nếu không do tác động của biến đổi khí hậu".
Các nhà khoa học ước tính sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc tăng thêm lần lượt là 2,5 độ C, 2 độ C và 1 độ C. Ngoài những tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nắng nóng đã gây thiệt hại quy mô lớn đối với mùa màng và chăn nuôi, trong đó phải kể đến các vụ mùa ngô và đậu nành ở Mỹ, chăn nuôi gia súc ở Mexico, sản lượng thu hoạch dầu oliu ở Nam Âu và vụ mùa bông ở Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, mặc dù hiện tượng El Nino có thể là nguyên nhân gây ra nắng nóng gay gắt ở một số khu vực, song nhân tố chính vẫn là sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhóm nghiên cứu cảnh báo các đợt nắng nóng cực đoan có nguy cơ gia tăng nếu con người không cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Các nhà khoa học ước tính những giai đoạn nắng nóng cực đoan kéo dài có thể sẽ xảy ra 2 đến 5 năm một lần nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu ước tính đã tăng hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhà khoa học Friederike Otto của Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu Grantham (Anh) cho rằng nắng nóng cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch.
Tags