Những băn khoăn của người Mỹ về việc có nên đeo khẩu trang hay không lại nhen lên sau khi thẩm phán Kathryn Kimball Mizelle của bang Florida ngày 18/4 ra phán quyết hủy bỏ quy định này.
Quy định đeo khẩu trang để phòng ngừa COVID-19 được công bố lần đầu tiên vào tháng 1/2021, trong đó yêu cầu người dân tại Mỹ phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, thẩm phán Kathryn Kimball Mizelle lại cho rằng quy định này là "bất hợp pháp" và CDC đã vượt quá thẩm quyền khi thực hiện chính sách này. Trong khi có người hào hứng với diễn biến mới này, cũng có nhiều người tức tốc tìm hiểu về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu không đeo khẩu trang và những biện pháp để hạn chế tối đa việc phơi nhiễm virus.
Theo Tiến sĩ Stuart Ray thuộc trường Đại học Johns Hopkins, mặc dù quy định về đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người không cần đeo khẩu trang khi đi du lịch.
Trên thực tế, ông lưu ý rằng CDC vẫn khuyên nên đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khép kín. Ông nêu rõ: “Việc dỡ bỏ quy định trên không có nghĩa là CDC không còn khuyến nghị sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng. Tôi cho rằng mọi người nên chú ý đến lời khuyên đó".
Việc dỡ bỏ quy định trên diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại tại Mỹ, một phần là do biến thể BA.2, dòng phụ rất dễ lây truyền của biến thể Omicron.
Con số thống kê về số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ đã ghi nhận mức cao nhất trong hơn một tháng qua. Trong tuần trước, 34 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã chứng kiến mức tăng khoảng 10% hoặc thậm chí cao hơn.
- Mỹ xem xét điều chỉnh quy định đeo khẩu trang 'sống chung' với Covid-19
- Tranh cãi xung quanh quy định đeo khẩu trang tại Mỹ
Tiến sĩ Ray nhận định trong bối cảnh số ca mắc mới ngày càng gia tăng, việc hủy bỏ quy định đeo khẩu trang sẽ khiến chuỗi lây nhiễm ngày một lan rộng, do đó ngay cả những người không có nguy cơ cao cũng nên cân nhắc việc duy trì đeo khẩu trang. Ông nhấn mạnh: “Chừng nào tỷ lệ lây nhiễm còn tăng lên, chúng ta vẫn cần chú trọng bảo vệ bản thân, ngay cả khi chúng ta không có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Theo đánh giá của Tiến sĩ Ray, phán quyết hủy bỏ quy định đeo khẩu trang cũng sẽ ảnh hưởng tới những người có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 thể nặng, cũng như tỷ lệ nhập viện và tử vong do căn bệnh này, trong đó bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch, những người có bệnh lý nền, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.
Ông cũng cho rằng việc xét nghiệm tầm soát COVID-19 là điều cần thiết tại các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt là khi có những người có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng hoặc những người bị suy giảm miễn dịch cùng tham dự.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại rằng việc nhiều người không đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 sẽ số ca bệnh tăng cao, kéo theo tăng số người mắc hội chứng "COVID kéo dài" (long COVID), từ đó dẫn đến những di chứng nguy hiểm về lâu dài như tổn thương tim và thận, hình thành cục máu đông hoặc hội chứng Guillain-Barre có thể gây liệt tạm thời. Tiến sĩ Ray nói: "Tất nhiên có thể khả năng miễn dịch mà chúng ta đã xây dựng sẽ giảm thiểu những biến chứng lâu dài đó, nhưng chúng ta sẽ không biết khả năng này có thể kéo dài bao lâu".
Thanh Phương/TTXVN
Tags