(Thethaovanhoa.vn) - Phấn khởi, vui mừng với những thành công lịch sử của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 30, nhưng chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I – Tổng cục TTDT vẫn không giấu được những lo lắng khi TTVN có quá ít những thành tích đột phá tiệm cận với thành tích châu lục và thế giới khi nhìn từ SEA Games 30?.
Thành công toàn diện ở một kỳ SEA Games
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I – Tổng cục TDTT, nguyên Trưởng đoàn TTVN, với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, đoàn TTVN đã có một kỳ SEA Games thành công toàn diện và tạo nên bước ngoặt thành tích trong lịch sử các lần tham dự SEA Games.
“Tôi muốn lý giải rõ hơn về đánh giá thành công toàn diện. Đó là bởi đoàn TTVN lần đầu tiên giành được HCV bóng đá nam, nữ - điều mà chúng ta chưa bao giờ làm được từ trước tới nay. Nên nhớ, đoàn TTVN từng đứng đầu ở SEA Games 22, đứng thứ 2 tại SEA Games 25 và có vị trí ổn định trong Top 3 nhưng chưa bao giờ giành được HCV bóng đá.
Chính điều này khiến cho thành tích ở SEA Games thiếu đi sự trọn vẹn theo đánh giá chuyên môn, cũng như cảm nhận của người hâm mộ thể thao nước nhà. Đến SEA Games 30, TTVN đã có được HCV bóng đá cả nam và nữ, bên cạnh việc đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp đem tới sự vui mừng, phấn khởi cho đông đảo người dân.
Phân tích kỹ hơn, cũng có nhiều điều đáng mừng với TTVN với tỷ lệ khoảng 60% HCV đến từ các môn Olympic, các môn võ thuật vốn được coi là “mỏ vàng” như Vật; Kurash; Karatedo; Taekwondo; Wushu; Kick-boxing… tiếp tục giữ vững vị thế ở khu vực và nhóm các môn thể thao xã hội hóa cũng có đóng góp thành tích đáng khen ngợi.
Tất cả, tạo nên bức tranh toàn cảnh hài hòa, đa sắc màu nhưng có rất nhiều điểm nhấn của TTVN sau chu kỳ 2 năm ở Đại hội thể thao khu vực - nơi chúng ta đã nhiều năm giữ vững vị trí trong Top 3. Hay nói một cách khác, đoàn TTVN mang tới thêm những niềm vui mới ở một sân chơi đã khá quen thuộc”.
Lo lắng khi nhìn về Olympic
Thành công của TTVN ở SEA Games 30 là điều cần ghi nhận nhưng SEA Games có trở thành bàn đạp để TTVN vươn mình ra châu lục hay thế giới hay không là câu chuyện cần được ngành thể thao nhìn nhận và xem xét kỹ lưỡng.
Nói một cách khác, đánh giá về thành tích ở SEA Games bằng hệ quy chiếu ASIAD, Olympic sẽ có được một kết quả rõ ràng hơn về khả năng tiếp cận của TTVN với các sân chơi lớn ngoài phạm vi khu vực. TTVN có thể có bảo vệ vị trí trong Top 3 tại SEA Games nhưng thành tích ở ASIAD và Olympic thiếu sự ổn định.
Vấn đề này đã được đặt ra trong nhiều năm qua nhưng chính những người làm chuyên môn còn chưa đi đến thống nhất. Theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Minh, ngay sau những thành công lịch sử tại SEA Games 30 là những lo lắng rất lớn khi nhìn về Olympic 2020.
“Có rất ít thành tích xuất sắc, tiếp cận được với thành tích châu lục hoặc thế giới mà các VĐV Việt Nam tạo nên ở SEA Games 30. Thống kê cho thấy nổi bật nhất chỉ có chuẩn A của Nguyễn Huy Hoàng nội dung 1.500m tự do ở môn bơi, còn lại tất cả những trường hợp như của Trần Hưng Nguyên (bơi), Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền (cử tạ), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) cũng còn khoảng cách với thành tích châu lục.
Rồi những VĐV xuất sắc ở môn bắn súng, thể dục đã có thành tích tốt hoặc giành vé dự Olympic đều không thành công ở SEA Games. Ngay câu chuyện của Ánh Viên cũng như vậy, Ánh Viên vẫn giành 6 HCV nhưng thành tích cơ bản là đi xuống kể cả ở nội dung sở trường.
Về tổng thể, TTVN mới có 5 vé dự Olympic ở môn bơi, thể dục và bắn cung, con số này cũng rất đáng lo lắng vì thời gian không còn nhiều và thực tế cho thấy thành tích của nhiều VĐV kể cả là xuất sắc, là niềm hi vọng giành huy chương trước đây đến nay không còn duy trì được thành tích ở mức cao”.
Olympic và ASIAD ở đâu trong chiến lược phát triển?
Những lo lắng sau thành công một kỳ SEA Games xới lại rất nhiều vấn đề quen thuộc của TTVN, đó là chúng ta hài lòng với thành tích ở khu vực, hay đã đến lúc TTVN cần nâng tầm và vươn mình ra sân chơi châu lục và thế giới.
Thành công hay thất bại của những ngôi sao sáng nhất của TTVN hay của những niềm hi vọng trong danh sách VĐV trọng điểm tác động đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ chung của TTVN không đơn thuần là vấn đề thuộc về cá nhân VĐV.
Nó là biểu hiện về mặt kết quả của chiến lược phát triển và lộ trình đã được lựa chọn từ trước. Nhìn chung, mọi VĐV, mọi tuyển thủ đều đã nỗ lực hết mình trong mọi cuộc thi đấu, họ không hoàn toàn có lỗi trong thất bại, vấn đề nằm ở chỗ, TTVN có quá ít sự lựa chọn cho các cuộc thi đấu đỉnh cao như ASIAD hay Olympic.
Nhiều năm qua, nguồn kinh phí chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ SEA Games, còn kinh phí dành cho nâng cao, cải thiện thành tích, đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng ở ASIAD, Olympic là không đáng kể.
“Đã đến lúc TTVN cần đánh giá và xem xét về chiến lược phát triển lâu dài và tính toán cụ thể về mục tiêu ở ASIAD và Olympic. Vị trí của những đấu trường này sẽ được đặt ở đâu, cụ thể ra sao trong chiến lược phát triển và nhận được sự đầu tư như thế nào để có thể giành được thành tích cao.
Nếu làm quyết liệt, thì 5-10 năm nữa, chúng ta cũng có thể mới gặt hái được thành công chứ không phải ngay lập tức. Ông Park Hang Seo đến Việt Nam mới 2 năm, giành được rất nhiều thành tích lịch sử và ông ấy gửi lời cảm ơn đến các CLB, đội bóng đã đào tạo ra một thế hệ cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam từ nhiều năm qua và ông ấy chỉ là người ráp nối lại.
Rõ ràng, TTVN có tiềm năng, có con người nhưng để đi đến thành công là cần một chiến lược rõ ràng, cụ thể và một quá trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn. TTVN muốn giành được huy chương ASIAD, Olympic thì cần có chiến lược cụ thể và xác định mục tiêu đó trong chiến lược , còn nếu không thì chúng ta chỉ có thể thành công ở SEA Games mà thôi”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ thêm.
Vũ Lê
Tags