(Thethaovanhoa.vn) - Là người theo dõi bóng đá Việt Nam có thâm niên, nhìn thực trạng của bóng đá nước ta hiện tại, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh không khỏi đau đáu, trăn trở. Theo vị chuyên gia lão làng này, với đà sai sót mang tính hệ thống như hiện tại mà cứ được bao che thì V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sẽ khó phát triển được.
Có tiến bộ nhưng ở mức “cục bộ”
Tâm huyết với bóng đá nước nhà song “sống” trong môi trường bóng đá Việt Nam bấy lâu nay, ông Vinh đã chọn cho mình cách “ở ẩn”, làm công việc khác, ít dành thời gian cho bóng đá. Thế nhưng, đôi lần nhớ rồi ngoảnh lại với bóng đá nước nhà, ông Vinh không khỏi xót xa, chua chát. Trước bối cảnh V-League xảy ra quá nhiều sự cố khiến người hâm mộ đánh mất niềm tin và 17 năm qua, giải bóng đá mang danh chuyên nghiệp vẫn chưa thay đổi nhiều, ông Vinh chẳng thể vui được.
“Làm sao vui được trước tình cảnh đó. Chẳng có gì để lấy làm vui cả. Tất nhiên cũng có một vài thành tích, thế nhưng những thành tích đó không xuất phát từ những người dẫn đường mà đó là sự nỗ lực của từng bộ phận, từng đơn vị. Nó không xuất phát từ khả năng của những người lãnh đạo. Sự tiến bộ là có nhưng không phải là tổng hợp của cả phong trào. Nó là những mảnh ghép bởi sự phấn đấu của những địa phương.
Họ tự làm mới mình để phát triển. Cái này sản sinh ra khi hiện tại, ở đất nước mình, các ngành, các nghề muốn sống được, muốn phát triển được đều phải tự làm mới mình. Chẳng hạn như vấn đề khởi nghiệp của các doanh nghiệp. Nhà nước động viên và họ làm. Nhà nước có chính sách và họ làm. Còn ở lĩnh vực thể thao, mình không có chính sách. Cái đó chẳng qua là sự cố gắng đến miệt mài của lãnh đạo và địa phương.
Tôi lấy ví dụ, nhiều địa phương, đơn vị chú trọng công tác đào tạo trẻ. Đến nay, nguồn lực họ có đến từ lực lượng trẻ do họ tự đào tạo đó thôi. Hay như ở ĐT Việt Nam hiện nay, tập trung rất nhiều cầu thủ trẻ chứ không phải nhiều cầu thủ lớn tuổi nữa. Điều này có được đâu phải do Liên đoàn làm.Đó là công của các địa phương đó chứ. Cả ba miền đều có các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tốt cả. Nói như thế để thấy có sự tiến bộ nhưng theo tôi là chưa ở tầm quốc gia, mới chỉ ở tầm địa phương thôi. Muốn ở tầm quốc gia thì những người lãnh đạo về phía Nhà nước phải có trình độ và phải có cái tâm. Rất tiếc điều này chúng ta chỉ đang manh mún và chưa đủ khả năng, cái tâm để làm điều đó phát triển mang tầm quốc gia. Chúng ta còn thiếu nhiều lắm”, ông Vinh chia sẻ.
Lãnh đạo VFF và VPF cần phải thức tỉnh
Đối với những sai lầm gần đây mang tính hệ thống ở V-League, nhất là công tác trọng tài, ông Vinh cho rằng: “Rất nhiều trận đấu sai phạm rõ ràng nhưng lại được bao che. Chỉ riêng cái đó thôi cũng đã vứt đi rất nhiều tiềm năng để phát triển bóng đá đất nước rồi”.
Trước câu hỏi ở bóng đá Việt Nam tồn tại lợi ích nhóm, kìm hãm sự phát triển, ông Vinh nêu quan điểm: “Tôi không đồng ý vấn đề này. Dĩ nhiên là họ phải phản ứng. Chẳng hạn, chúng ta chống tiêu cực thì những kẻ tiêu cực đã phản ứng còn gì. Vấn đề ở chỗ, người lãnh đạo phải sáng suốt, công tâm, không vì lợi ích riêng thì họ phải thấy những tiêu cực để lên tiếng, hành động mà trấn an đi chứ. Chứ tiếng nói của chúng ta, của từng cá nhân một chưa thấm vào đâu cả.
Vai trò của những người lãnh đạo nền bóng đá, giải chuyên nghiệp quyết định lớn lắm nhưng vì họ trốn tránh nhiệm vụ, né tránh khó khăn, đứng trước chuyện tiêu cực họ không dám nói. Họ sợ hãi, sợ đụng chạm cho nên bóng đá Việt Nam mới không phát triển. Họ phải thức tỉnh đi”, ông Vinh chia sẻ.
3. Có 3 thẻ đỏ sau 5 vòng đấu ở V-League. So với 5 vòng đấu mùa giải, số thẻ đỏ mùa này tăng hơn 1 chiếc. 96. Có 96 bàn thắng được ghi, cao hơn 5 vòng đấu mùa trước 9 bàn. 5.457. Chỉ có 5.457 khán giả/ trận ở mùa này, thấp hơn nhiều con số 8.424 khán giả/trận ở mùa trước. |
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa
Tags