(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ gặp gỡ tại Phần Lan trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này trong bối cảnh quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn một số phân tích từ các chuyên gia về cuộc gặp này.
- Lịch trình Tổng thống Donald Trump gặp Tổng thống Vladimir Putin trong Thượng đỉnh Nga-Mỹ
- Cơ hội tháo gỡ thế đối đầu Nga-Mỹ
- Thủ đô Helsinki siết chặt an ninh chuẩn bị cho thượng đỉnh Nga-Mỹ
Nhà phân tích Andrei Baklitsky cho rằng thực tế cuộc gặp trên được tổ chức cũng đã là một "chiến thắng" với Điện Kremlin sau khi Washington liên tục lùi kế hoạch gặp song phương trong khi Moskva luôn tìm kiếm cơ hội để hai nhà lãnh đạo có thể ngồi lại và thảo luận về tình hình thế giới cũng như quan hệ song phương. Với nhận định, các cuộc xung đột tại Syria hay Ukraine cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là những chủ đề quan trọng trong quan hệ hai nước ở thời điểm hiện tại, chuyên gia Baklitsky hy vọng hai bên sẽ đạt được những quyết định mang tính đột phá tại cuộc gặp lần này để có thể ra một tuyên bố chung.
Nhà phân tích Alexei Malashenko thì cho rằng với Tổng thống Putin, cuộc gặp này đã "ngầm công nhận Nga là một cường quốc vĩ đại". Ông chủ điện Kremlin có thể sẽ thuyết phục ông chủ Nhà Trắng linh hoạt hơn trong vấn đề Syria với hy vọng Washington sẽ kiềm chế các hoạt động của mình tại quốc gia Trung Đông này. Đổi lại, Mỹ cũng sẽ đưa ra yêu cầu đưa các lực lượng Iran ra khỏi Syria, tuy nhiên đây có thể sẽ không phải là ý tưởng được ông Putin sẵn sàng chấp thuận xét tới mối quan hệ Nga-Iran trong thời điểm này. Nhìn chung, giới phân tích nhận định, so với tình hình xung đột tại Ukraine, thì xung đột ở Syria vẫn là chủ đề thảo luận "dễ thở" hơn cho hai nhà lãnh đạo.
Về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Moskva chắc chắn sẽ nhất quán giữ nguyên quan điểm phủ nhận, song chuyên gia Baklitsky nhận định hai bên có thể ra một tuyên bố chung về việc ngăn chặn những hành động như vậy trong tương lai.
Từ quan điểm của các chuyên gia Mỹ, giá trị cốt lõi mà Tổng thống Trump coi trọng là đặt hình ảnh của ông vào trung tâm chính sách ngoại giao của Mỹ. Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Kennan thuộc Trung tâm Wilson, William Pomeranz, cho rằng Tổng thống Mỹ muốn được nhìn nhận như người quyết định và là nhà thương thảo chủ chốt và đây là điều quan trọng nhất với ông khi tham gia cuộc gặp thượng đỉnh chứ không phải kết quả cuối cùng. Chuyên gia này cũng dự đoán hai bên sẽ đạt được thuyên bố chung sau hội nghị. Trong khi đó, chuyên gia chính sách ngoại giao của Viện nghiên cứu Brookings tại Washington, Alina Polyakova, cùng chung quan điểm cho rằng hội nghị lần này sẽ được ông Trump coi như cơ hội để củng cố hình ảnh trong nước, để chứng minh rằng ông đang đưa mối quan hệ với Moskva trở lại đúng hướng và việc kết nối giữa hai nhà lãnh đạo là bằng chứng cho thấy Nga không phải là "mối đe dọa" với Mỹ.
Với một cách nhìn khác, chuyên gia William Courtney đến từ Rand Corporation cho rằng Tổng thống Mỹ có thể sẽ tìm cách đảm bảo có được những thỏa thuận "cụ thể" như việc mở cửa trở lại lãnh sự Mỹ tại Saint Petersburg và lãnh sự Nga tại San Francisco. Vì vậy, rất ít khả năng ông Trump sẽ tìm kiếm các thỏa thuận về những vấn đề khó thực hiện liên quan bán đảo Crimea đã được Nga sáp nhập năm 2014 hay yêu cầu Nga gây sức ép buộc Iran rút quân khỏi Syria.
Cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Olga Oliker cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào 3 chủ đề liên quan tới lợi ích song phương, gồm việc mở rộng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới), bảo vệ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung và thiết lập các kênh liên lạc quân sự chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực.
TTXVN
Tags