Vợ chồng chung sống với nhau không tránh khỏi những lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Vậy làm thế nào để hạn chế tối đa những mâu thuẫn, xây dựng mối quan hệ hòa hợp với bạn đời giúp hôn nhân luôn bền chặt, hạnh phúc?
Chị Ngọc làm kinh doanh tự do, cũng là trụ cột kinh tế của gia đình. Chồng chị ở nhà phụ giúp công việc kinh doanh của vợ. Trong mắt chị, chồng là người kém cỏi, nhu nhược, sai đâu đánh đó.
"Em bảo làm gì thì ông ấy làm nấy, thường là mấy việc như đi giao hàng, bê hàng. Nói chung là cuộc đời này em mất nhờ chồng", chị kết thúc câu nói với cái thở dài thườn thượt. "Em chán chồng lắm rồi cô ạ", chị Hồng Ngọc (Hưng Yên) nói với chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành).
Cũng tìm đến cô Lanh để xin tư vấn, chị Hoàng Phương (Hà Nội) than thở, vợ chồng chị rất hay cãi vã vì chồng quá nghe lời mẹ. Hai vợ chồng đi làm cả tuần, chỉ còn thứ 7, Chủ nhật để đưa con đi chơi hoặc về thăm nhà ngoại nhưng mẹ chồng chị hay viện cớ cần con trai đưa đi khám, đi thăm người quen… Chồng chị lúc nào cũng chiều theo ý mẹ khiến nhiều kế hoạch bị đổ bể.
"Có lần em đã hẹn cuối tuần hai vợ chồng đưa con về bên ngoại liên hoan vì các anh chị em khác ở xa cũng về chơi, lâu rồi cả nhà mới tụ tập đông đủ. Anh đồng ý rồi nhưng đúng hôm ấy mẹ anh lại kêu thấy người không khỏe, muốn con trai ở nhà. Vậy là anh bảo em cứ đưa con đi, vắng anh ấy cũng không sao. Sau đó hai vợ chồng cãi vã om sòm", chị kể.
Theo cô Lanh, trục trặc mối quan hệ vợ chồng là vấn đề thường gặp ở nhiều gia đình, phổ biến là chồng ngoại tình, vô tâm, nghe lời mẹ, không có chí tiến thủ, vợ chồng khắc khẩu… "Chị em thường nhìn vào những điểm xấu của đối phương mà không biết rằng bản chất đấy chính là sự tổn thương của cả hai người", cô nói.
Nữ chuyên gia phân tích, chúng ta sinh ra trong môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau, trải nghiệm quá khứ và góc nhìn khác nhau. Những trải nghiệm, kí ức xấu có thể ăn sâu vào tiềm thức, tạo ra những vết thương lòng và ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử sau này.
Vợ chồng hiện diện bên nhau chính là để chữa lành tâm thức cho nhau, giúp nhau tốt nghiệp những tình huống, con người và hành vi trong quá khứ để trở nên tốt hơn, chứ không phải để nhấn vào vào vết thương của nhau. "Khi nhìn thấy vấn đề của đối phương là chúng ta đang có cơ hội để chữa lành cho chính mình", cô Lanh nhấn mạnh.
Để chữa lành mối quan hệ, cô Lanh khuyên các cặp vợ chồng cần lắng nghe, thấu hiểu, biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương. Qua đó hiểu rằng chồng/vợ của mình có những hành vi ấy là vì đang bị "mắc kẹt" chứ không phải con người thật của họ. Việc nhận diện tổn thương sẽ khiến cả hai không sa đà vào chê bai, chỉ trích bạn đời, thay vào đó là xoa dịu nỗi đau để cùng nhau tốt nghiệp những hành vi ấy.
Đồng thời, mỗi người cần đứng ở vai nguyên nhân và chịu trách nhiệm 100% về mình. Thông thường, khi gặp trục trặc trong mối quan hệ vợ chồng, chúng ta hay đứng ở vùng nạn nhân, đổ lỗi "vì anh mà tôi mới thế", "vì cô mà tôi mới như vậy"… Điều này khiến chúng ta không thay đổi và không học được bài học. Chỉ khi chúng ta biết chịu trách nhiệm, sẵn sàng thay đổi, học cách yêu thương và tha thứ thì mới chữa lành được cho chính mình và bạn đời. Từ đó, "mang yêu thương về nhà", kiến tạo mối quan hệ vợ chồng hòa hợp, để nhà thực sự là tổ ấm chứ không phải nơi thường trực những mâu thuẫn, bất đồng.
Tags