(Thethaovanhoa.vn) - Đồng tình với án phạt mà ban Kỷ luật vừa đưa ra với những cầu thủ vi phạm của 2 CLB Hải Phòng và Hà Nội.T&T nhưng chuyên gia Trần Văn Phúc cũng đề xuất phương án xử lý làm sao cho cầu thủ tâm phục, khẩu phục mà không cảm thấy quá nặng rồi kêu oan.
* Theo dõi thường xuyên các trận đấu tại V-League, cá nhân ông thấy án phạt mà Ban Kỷ luật vừa đưa ra với cầu thủ Hải Phòng và Hà Nội.T&T như thế nào?
- Tôi thấy bóng đá Việt Nam bây giờ không phạt cầu thủ vi phạm thì cũng không được. Nói thật, bây giờ nhiều cầu thủ ở Việt Nam mình đá láo quá, đi đá bóng mà chỉ chực nhảy vào đánh nhau. Như thế thì chán lắm, người ta không muốn đến sân xem các trận đấu nữa. Trước kia, khán giả ở sân Hải Phòng đông lắm, bây giờ vắng đi rất nhiều.
Đầu tiên tôi nghĩ VFF nên có những văn bản gửi đến toàn bộ các CLB để giáo dục VĐV của mình trong bất cứ tình huống nào cũng không được dùng cả tay và chân lao vào nhau đấm đá như thế.
Trong cách xử của Ban Kỷ luật VFF ở sự việc vừa qua, Samson và Đức Thắng 4 trận tôi nghĩ để cảnh cáo hai cầu thủ này cũng là hợp lý. Riêng Văn Nam bị treo giò đến hết giải tôi cho là hơi nặng, nếu là 4 hay 5 trận thì có lẽ xứng đáng hơn.
Theo tôi, Ban Kỷ luật VFF cũng nên xem xét và tính toán vì ở nhiều giải đấu hàng đầu trên thế giới, với những cầu thủ vi phạm, người ta phạt tiền rất nặng.
Thiết nghĩ Ban Kỷ luật mình cũng nên tăng mức phạt tiền cầu thủ của mình lên. Có thể phạt 50, 70 triệu, thậm chí 100 triệu, như thế thậm chí còn "đau" hơn mức phạt treo giò một vài trận.
Tất nhiên, nếu phạt tiền thì có thể CLB sẽ nộp phạt chứ cầu thủ vi phạm không phải nộp. Phạt trận, CLB cũng chịu thiệt về lực lượng, tôi từng làm trước kia tôi biết. Ví dụ như trường hợp vi phạm của Samson, Ban Kỷ luật có thể phạt anh ta 100 triệu đi như thế có tác dụng hơn.
* Nhưng Chủ tịch, HLV trưởng CLB Hải Phòng đều đồng loạt phản ứng, cho rằng mức án kỷ luật với cầu thủ của họ là quá nặng?
- Với CLB Hải Phòng tôi nghĩ lãnh đạo CLB có phản đối án kỷ luật, nhưng nói thật, cầu thủ như vậy là không chấp nhận được. Ai đánh nhau thì nhảy vào can người ta thôi chứ sao đánh lại như vậy. Còn trường hợp phạt của Văn Nam tôi cho là hơi bị nặng.
HLV và rrưởng đoàn có quyền phản ứng với mức án mà Ban Kỷ luật đưa ra nhưng anh không nên công khai phản đối trên báo chí ngay sau khi có án kỷ luật chính thức. Đáng lý ra anh cần lên trụ sở VFF bày tỏ những ý kiến của mình. Anh nói ầm ĩ lên ngay như vậy cũng không nên. Trên thế giới, những HLV nổi tiếng cũng không ai phản ứng ầm ĩ như thế, làm thế nó không vào mắt, vừa tai mình được, nhưng cách của các CLB ở Việt Nam mình xưa nay thường thế.
* Ông đánh giá thế nào về tuyên bố bỏ giải vì bị xử ép của lãnh đạo CLB Hải Phòng?
- Từ trước đến nay, một số đội đã bỏ giải V-League rồi nhưng mình phải có quy định để lấy đó mà có căn cứ hướng xử lý chứ không thể anh thích đá thì đá, thích bỏ là bỏ ngay được.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng không am hiểu nhiều về bóng đá và cũng không có nhiều thời gian tìm hiểu nên nếu cấp dưới tham mưu đểu thì mới bỏ.
* Nhiều ý kiến cho rằng ở mùa giải này, cầu thủ Hải Phòng chơi bóng rất rắn, có nhiều pha bóng thô bạo, ông có nhất trí với đánh giá này?
- Thực tế trên sân đã trả lời. Từ đầu giải bao nhiêu cầu thủ Hải Phòng bị treo giò, số thẻ đỏ, thẻ vàng, lỗi như thế nào, lỗi nhiều nhất, thống kê phản ánh quá đúng rồi tôi không bình luận. Anh không thể nói mình hiền, mình tốt cả được.
Còn nói thật, là HLV, không ai lại giáo dục cầu thủ của mình đá láo như thế cả. Trước kia, khi tôi làm HLV, một khi cầu thủ bị kỷ luật thì cầu thủ đó phải nộp tiền phạt chứ không có chuyện CLB nộp phạt thay. Thậm chí, ngoài mức án của ban Kỷ luật, CLB còn có thể phạt thêm cầu thủ vi phạm nữa.
Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, ban Kỷ luật VFF nên nghiên cứu, tăng thêm mức phạt tiền đối với những cầu thủ đá xấu, vi phạm kỷ luật.
Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags