(Thethaovanhoa.vn) - Vẽ chân dung là chuyện thường ngày của họa sĩ, với độ giống lúc nhiều lúc ít, nhưng vẽ “ma” hay một người chưa bao giờ nhìn thấy là một thử thách không nhỏ. Bà Lois Gibson không chỉ sống bằng nghề này từ 30 năm nay, mà còn vì theo đuổi công lý, muốn bắt thủ phạm nào cũng phải trả giá cho hành vi của mình. Chính bà đã từng bị xâm hại, và kẻ ác suýt lọt lưới.
Houston
… là thành phố lớn nhất tiểu bang Texas và đứng thứ tư Hoa Kỳ, sau New York, Los Angeles và Chicago. Thống kê hình sự cho thấy đây là một đô thị khá hiền hòa, nhưng trong bộ máy cảnh sát vẫn có một nghề khá vất vả. Trong 30 năm làm việc ở đây, có tới 4.500 vụ được chuyển đến tay hoạ sĩ Lois Gibson, và 1.226 lần nhờ bà mà phá được án - kỷ lục thế giới!
Trong sách Guinness bà được gắn danh hiệu “Most Successful Forensic Artist (họa sĩ vẽ chân dung tội phạm thành công nhất)”, nhưng có lẽ phải bổ sung: bà vẽ chân dung các nghi can đang bị truy lùng, nghĩa là chỉ dựa vào lời kể của nhân chứng, vốn bị nhiều yếu tố làm cho sai lệch.
Cũng phải nói thêm, đây là một nghề sắp tuyệt chủng, chỉ còn thấy trong các phim trinh thám ngày xưa. Cảnh sát hình sự hôm nay có những kho dữ liệu với hàng ngàn dạng tai, mũi, mắt, lông mày... trong máy tính, lắp ghép thành khuôn mặt để nhân chứng nhận dạng chứ ít ai còn vẽ bằng tay.
Lois Gibson tại nhà mình ở Houston (Texas) trước giá vẽ
“Vớ vẩn”, bà Lois Gibson phẩy tay. “Tỷ lệ thành công của các ảnh lắp ghép kiểu ấy thấp hơn nhiều, so với vẽ tay”. Nghệ thuật ở đây là biết đoán từ những lời khai rời rạc như “đầu nhỏ” hay “lông mày rậm” và đưa ngay các chi tiết đó lên giấy theo đúng tỷ lệ. Và phải nghe bà Gibson hăng hái giải thích mới hiểu ra, vì sao bà là họa sĩ vẽ mặt tội phạm giỏi nhất thế giới. “Những người ngồi đối diện với tôi đã trải nghiệm một điều khủng khiếp. Tôi phải chiếm được sự tín nhiệm của họ.
Vẽ chân dung là một nghề thủ công, nhưng tâm lý và sự nhạy cảm quyết định thành công. Tôi sinh ra ở Ozarks, một xó xỉnh xa lắc xa lơ trên núi. Tôi thích vẽ từ khi chưa biết đi. Năm 1976 tôi tốt nghiệp mỹ thuật ở Đại học Austin, sau một sự kiện đảo lộn toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi bị một gã lạ mặt cưỡng hiếp tại nhà tôi ở Los Angeles. Tôi muốn tự sát, vì hắn đã hủy hoại cuộc đời tôi. Tôi xấu hổ không dám báo cảnh sát…”.
Nghi can này được vẽ theo lời miêu tả của một cảnh sát bị hắn bắn ba phát, sau đó dùng xe cán và kéo lê 15 m
Sáu tuần sau
… tôi tình cờ đi ô-tô lên một đường đồi ở Sunset Strip và nhìn thấy tên đó đang bị hai cảnh sát Los Angeles bắt giữ vì một tội khác. Có lẽ Chúa đã cho tôi chứng kiến khoảnh khắc đó để tôi tin rằng có công lý trên đời. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi hiểu ra, chứng kiến công lý là một trải nghiệm giải thoát. Tôi hiểu ra, tóm được thủ phạm là giúp nạn nhân thoát cơn ác mộng. Đơn giản thế thôi”.
Sau vụ đó Lois Gibson rời bỏ Los Angeles, khi mới 21 tuổi. Cô kiếm sống bằng cách vẽ chân dung khách qua đường. Khoảng 3.000 bức. Một dạng tập huấn ngẫu nhiên cho công việc sau này. “Tôi đọc báo về các vụ án, đôi khi khiến tôi nhớ lại chuyện mình ngày xưa. Và tôi biết là phải giúp cảnh sát. Tôi nhờ một bạn gái miêu tả khuôn mặt người công nhân ở cây xăng mà tôi chưa bao giờ gặp. Sau đó tôi biết sẽ chọn nghề này”.
Nhân chứng trong vụ này chỉ thoáng nhìn thấy nghi can cách xa 10 m trên một chiếc ô-tô đi ngang qua với vận tốc 60 km/h
Cảnh sát trưởng nghe Gibson trình bày, nhưng nhân viên trong đồn không muốn có người lạ xía vào chuyện của họ. Nhất là khi người đó không ở trong lực lượng điều tra mà lại được tiếp xúc với các nhân chứng quan trọng.
“Tôi xin họ làm thử. Và trong thời gian thử việc, một phần ba các hình vẽ của tôi đã giúp cảnh sát tìm ra thủ phạm. Họ bắt buộc phải gọi tôi khi áp lực công luận đè nặng và cảnh sát phải chứng minh thành công. Tôi phải đi qua cửa sau để không ai nhìn thấy. Xong việc, tôi gói giấy bút và lén lút đi ra xe. Bảy năm liền”.
Trong thời gian đó Lois Gibson sinh hai con, và cô ép mình tuân thủ một lối sống mẫu mực, kể cả từ cách ăn mặc, để cảnh sát không có cớ từ chối trao việc cho cô. “Tôi nhớ đến một thằng bé ở Kansas, nó mới lên bốn và tận mắt nhìn thấy bố mẹ bị đánh chết trước mặt, và nó chỉ biết tiếng Tây Ban Nha.
Tôi vẽ rất nhanh và đưa nó xem. Nó rú lên: Tại sao cô vẽ người đó? Và tôi biết đã thành công. Cảnh sát chỉ cần đi qua bên kia đường là tóm được thủ phạm. Tôi đã giúp thằng bé đó tìm ra công lý bằng cách nói với nó: cô muốn vẽ người đàn ông đã làm bố mẹ cháu đau. Làm việc với nhân chứng không khó, chỉ cần nói sao cho họ hiểu ý mình. Tôi thường kể là chính tôi từng suýt bị sát hại, qua đó nhận được nhiều đồng cảm”.
Một bà mẹ tả lại nghi can bắt cóc đứa con mới đẻ của mình trước đó mấy tiếng. Nhờ bức vẽ mà cảnh sát tìm được ngay thủ phạm và trả lại con cho mẹ
Đôi khi
… Lois Gibson tin rằng một thế lực siêu nhiên nào đó đã ấn định mình làm công việc này, không chỉ là họa sĩ mà còn, là chuyên gia tâm lý. “Thoạt tiên các nhân chứng đều nói là họ không nhìn rõ mặt thủ phạm hoặc không nhớ lắm. Không đúng. Trong thâm tâm, họ không muốn bị nhắc đến vụ đó. Đôi khi họ nổi cáu. Tôi kệ cho họ chửi bới, khóc lóc. Tôi không cho họ nhìn tay tôi vẽ, chỉ khi vẽ xong tôi mới quay giá vẽ lại phía nhân chứng. Và tôi luôn có một sự thỏa mãn sâu sắc khi cảnh sát gọi điện đến nhà: Chúng tôi đã tóm được hắn. Lại một thủ phạm nữa không thể trốn chạy!”.
Hôm nay Lois Gibson làm việc ở Học viện Cục Điều tra Liên bang (FBI) tại Texas và đào tạo họa sĩ vẽ chân dung tội phạm cho cảnh sát. Bà cũng là người tư vấn cho FBI phát triển một phần mềm nhận dạng. “Các hình vẽ của tôi được máy tính chấp nhận đến 100% và khớp với ảnh chụp trong hồ sơ”. Trong tương lai gần, không chỉ nhân chứng mà cả máy tính sẽ dựa trên miêu tả để xác định nghi can. Lúc đó Lois Gibson mới thực sự yên tâm treo bút về nghỉ hưu.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags