Chuyện Hà Nội: Cần phục dựng Trung Liệt miếu thờ các anh hùng lịch sử

Thứ Hai, 07/03/2016 07:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ lâu nay bao nhiêu người Hà Nội, và cả người Việt Nam đặt câu hỏi rằng ở Hà Nội, Đền Trung Liệt nằm ở đâu? Có bài báo và không ít người còn nhầm di tích này với Võ Miếu. Câu hỏi hơi bất ngờ, nhưng tôi biết trong lịch sử, ngoài Võ Miếu bị mất còn có một ngôi đền mang tên Trung Liệt, thờ các các công thần tiết liệt của nhà Lê.

Tôi đã có lần đi tìm đền Trung Liệt, nhưng tìm mãi không thấy, hỏi mãi không ai biết. Hỏi cán bộ Ban quản lý Di tích Hà Nội thấy bảo đền ấy nằm ở phố… Trường Chinh. Cả cán bộ của phường Trung Liệt cũng không biết có đền mang tên ấy.

Tình cờ có ông Nguyễn Thế, từ Huế gọi ra nhờ chụp cho bức ảnh câu đối ở tam quan Trung Liệt miếu trên gò Đống Đa, tôi mới biết là ngôi đền thờ những người anh hùng trung liệt từng được dời từ nơi khác về đây. Nay thì đền đã bị phá, chỉ còn hàng chân tảng cho biết dấu tích về một công trình khá hoành tráng, chỉ còn hôm nay tam quan hướng ra phố Tây Sơn.


Miếu Trung Liệt trên gò Đống Đa lịch sử. Ảnh: Internet

Nhiều tài liệu ghi rằng Trung Liệt miếu được xây dựng năm Chính Hòa thứ 6 đời vua Lê Hy Tông (năm 1685) tại thôn Trung Phường, xã Yên Hòa, huyện Thọ Xương (chỗ phố Nguyễn Khuyến bây giờ) thờ các công thần tiết liệt với nhà Lê. Thoạt đầu miếu thờ đệ nhất công thần Lê Lai, một trung thần hi sinh thân mình mặc hoàng bào cứu Chúa tức Lê Thái Tổ sau này. Dân gian vẫn có câu: hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Điều đó cho thấy người được thờ không chỉ là bậc võ tướng mà còn là người dám xả thân mình vì nghĩa lớn.

Trong sử cũ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi rõ: “Vị chính giữa thờ Võ Thành vương Thái công Vọng, còn từ Tôn Võ Tử, Quản Tử trở xuống 18 người  phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu… Hàng năm, mùa xuân, mùa thu hai kỳ tế, đều dùng ngày mậu vào thượng tuần. Cấp cho mỗi miếu một ấp dân hộ, để cung phụng việc thờ tự”.

 Đến thế kỷ 19, miếu Trung Liệt được dời đến gò Đống Đa. Miếu được phối thờ các tấm gương quan võ triều Nguyễn đã bỏ mình vì nước đặc biệt những bậc tiết liệt bảo vệ kinh thành Thăng Long. Đó là Nguyễn Tri Phương cùng người con trai, tướng Nguyễn Lâm bỏ mình trong trận Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất tháng 11/1873.

Đó còn là Hoàng Diệu, Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hà Ninh - người đã tuẫn tiết trong vườn Võ Miếu để giữ trọn khí tiết, khi Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882. Đó còn là Trương Quốc Dụng, là Đoàn Thọ, là Nguyễn Cao - những võ tướng có công với dân, với nước. Mãi đến năm 1946, bài vị của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) mới chính thức được đưa vào thờ ở Trung Liệt miếu.

Khí thiêng ấy đã thể hiện qua khí phách của những nghĩa sĩ anh hùng. Sự tử tiết của các đấng ấy đã xứng đáng lưu danh muôn thủa, đáng khắc bia đá bảng vàng…

Thiết nghĩ phục dựng lại một di tích lịch sử văn hóa như ngôi đền Trung Liệt là cần thiết, để muôn đời ghi nhớ tên tuổi những anh hùng, để hậu thế biết thêm về lịch sử Thăng Long Hà Nội qua một di tích.

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›