- Những cặp đôi ‘vàng’ trong làng bóng chuyền Việt Nam đều tài năng, chung lửa đam mê, hạnh phúc viên mãn
- Thanh Thúy vẫn dằn vặt vì thất bại trước ĐT Thái Lan ở chung kết bóng chuyền nữ SEA Games 32
- Hot girl 10X biệt danh ‘Ngọc Hoa mới’ làm lu mờ cả các phụ công nổi tiếng Thái Lan, hạnh phúc viên mãn, là tương lai bóng chuyền nữ Việt Nam
Nhắc tới những cây chuyền hai xuất sắc nhất lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, giới chuyên môn đa phần đều cho rằng không ai xứng đáng hơn Đặng Thị Hồng, cô gái quê Đông Anh "phải lòng" bóng chuyền từ khi còn là nữ sinh trung học.
Đặng Thị Hồng, cây chuyền hai tài năng nhất lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam
Chuyền hai là vị trí rất quan trọng trong bóng chuyền. Người chơi ở vị trí chuyền hai đòi hỏi phải có óc quan sát tinh tế, khả năng di chuyển linh hoạt, nhanh nhẹn, chuyền bóng thông minh và phải phối hợp rất ăn ý với các tay đập chủ lực của đội bóng.
Nếu trong bóng đá, chúng ta vẫn coi vị trí "hộ công" là linh hồn trong các đợt tấn công của đội bóng, là người kiến tạo, làm bóng quan trọng nhất cho các tiền đạo dứt điểm ghi bàn thì trong đội bóng chuyền, vị trí chuyền hai đóng vai trò tương tự như "hộ công" hay "tiền vệ kiến tạo" trong bóng đá.
Đặng Thị Hồng cho tới lúc này vẫn được coi là cây chuyền hai xuất sắc nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam bởi cô sở hữu đầy đủ các phẩm chất nổi bật của người chơi ở vị trí này.
Biệt danh "chuột" mà giới chuyên môn gán cho tay chuyền hai huyền thoại sinh năm 1979 này như một sự tôn vinh cho lối chơi tinh quái kiểu "thoắt ẩn, thoắt hiện", khả năng quan sát tinh tế và những bước di chuyển hết sức khéo léo, linh hoạt của cô.
Đặng Thị Hồng đến với bóng chuyền từ năm 13 tuổi như một sự sắp đặt của định mệnh. Cha cô vốn là một tay đập khét tiếng khi còn phục vụ trong quân đội. Số phận đã đưa đẩy Đặng Thị Hồng đến với bóng chuyền khi cô còn là một nữ sinh trung học.
Năm 1994, tình cờ thấy trên ti vi đưa tin Bưu điện Hà Nội tuyển VĐV bóng chuyền, chính mẹ của Hồng đã đưa cô lên Hà Nội khám tuyển và từ đây cô gái quê Đông Anh bắt đầu hành trình đầy đam mê của mình với môn thể thao mà cô coi như máu thịt.
Tuổi thơ của Đặng Thị Hồng là một tuổi thơ tràn ngập niềm vui gắn liền với trái bóng. Để có được thành công là cây chuyền hai số 1 Việt Nam, ít ai biết rằng Hồng đã phải ngày ngày đạp xe đạp hàng mấy chục cây cả đi cả về lên Hà Nội tập luyện.
Lúc đầu, cô tập ở vị trí chủ công. Nhưng tập được một thời gian, thấy Hồng bộc lộ tố chất nhanh nhẹn, khéo léo cùng với đó là sự thông minh trong di chuyển nên chuyên gia người Trung Quốc bố trí cô thử tập thử ở vị trí chuyền hai. Sẵn tố chất, cùng với đó là sự nỗ lực, cần cù Đặng Thị Hồng Sớm khẳng định được vị trí trong màu áo ĐTQG cũng như ở CLB Bưu Điện Hà Nội.
Sau hơn 40 năm tồn tại, CLB Bưu Điện Hà Nội đã trở thành dĩ vãng khi chính thức giải thể. Đặng Thị Hồng cùng với rất nhiều đồng nghiệp khác đứng trước ngưỡng cửa của hai sự lựa chọn. Một là trở thành nhân viên ngành bưu điện, hai là phải chọn con đường ra đi, tiếp tục tìm bến đỗ mới. Tình yêu bóng chuyền bao năm đã ngấm vào người cô chuyền hai số 6 nên Đặng Thị Hồng quyết định đầu quân cho đội bóng mới.
Năm 2009, khi Công ty Cổ phần Thể thao văn hóa Dầu khí với hạt nhân là đội bóng chuyền nam được thành lập, Hồng được ban lãnh đạo công ty mời về đầu quân cho đội bóng.
Còn nhớ hồi đó, Hồng đã được lãnh đạo tập đoàn cam kết sau khi giải nghệ, sẽ được bố trí việc làm phù hợp tại công ty, hay các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí, có trụ sở tại Hà Nội để ở gần gia đình. Không có đội nữ, Hồng được công ty ký hợp đồng với hai CLB bóng chuyền khác là Vietsovpetro, CLB Dầu khí Thái Bình Dương theo dạng hợp đồng cho mượn.
Dù không còn ở thời đỉnh cao, nhưng trong 4 năm "biệt phái", Hồng đã thi đấu với tất cả sự nhiệt huyết, cống hiến của mình, giúp Vietsov Petro thăng hạng, trước khi đến dìu dắt lứa trẻ ở CLB Dầu Khí Thái Bình Dương.
Tưởng như cây chuyền hai số 6 sẽ bến đỗ đẹp ở chặng cuối sự nghiệp VĐV như là sự tưởng thưởng xứng đáng cho cô sau gần 20 năm gắn bó với bóng chuyền, nhưng Công ty CP thể thao văn hoá Dầu khí và đội bóng chuyền nam giải thể, Hồng cũng bị thanh lý hợp đồng, đẩy "ra đường" không thương tiếc.
Điều đáng nói là Đặng Thị Hồng mất việc dù trước đó cô đã được lãnh đạo tập đoàn dầu khí mời về thi đấu và chính họ cam kết sẽ bố trí việc làm cho cô. Và càng cay đắng hơn khi Đặng Thị Hồng lại đang mang bầu con đầu lòng vào thời điểm cô bị thanh lí hợp đồng.
Đặng Thị Hồng tâm sự đó là khoảng thời gian vô cùng cay đắng và đau đớn với cô khi cô cảm thấy mình bị lừa dối và bạc đãi.
Nhưng trời không phụ người có tâm và có tài. Sau nhiều năm lận đận, đến đầu năm 2014, sau khi biết thông tin Đặng Thị Hồng vẫn muốn quay lại làm công tác chuyên môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lại có chủ trương xây dựng lại bóng chuyền từ đầu, cùng với đó là chính sách coi trọng nhân tài. Lãnh đạo bóng chuyền Hà Nội đã mời Đặng Thị Hồng về làm công tác huấn luyện cho tuyến năng khiếu.
Đối với Đặng Thị Hồng, đó là niềm hạnh phúc khi cô được gắn trọn niềm đam mê với trái bóng chuyền, hy vọng được thắp lên ở tuổi 34 và Đặng Thị Hồng đã đến với một vai trò mới.
Cuộc đời có những thăng trầm, có những khoảnh khắc ngọt ngào và cả những bão giông nhưng xuyên suốt mấy thập kỷ qua, tình yêu và đam mê với bóng chuyền vẫn luôn chảy trong trái tim cây chuyền hai xuất sắc nhất lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Bao năm tháng đã đi qua, bao thế hệ đàn em kế cận đã xuất hiện nhưng đến giờ, mỗi khi nhắc đến cây chuyền hai tài năng bậc nhất lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, người ta vẫn phải nhắc tên Đặng Thị Hồng như một hình mẫu.
Tags