Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh Mỹ có hơn 6.000 thành viên bỏ phiếu cho giải Oscar mỗi năm.
Người bầu chọn không phải bao giờ cũng xem phim
Năm nay, số lượng phim đề cử lên đến khoảng 60 phim, trong đó có 8 phim được đề cử hạng mục quan trọng nhất là Phim hay nhất. Theo lý thuyết, người bầu chọn phải xem hết các phim.
Nhưng trước thềm Oscar, nhà phê bình phim kỳ cựu Barry Norman nói trên Radio Times: “Có một nghi vấn về việc những người bỏ phiếu có thực sự xem hết các bộ phim đề cử không. Với vài người, điều đó là không thể xác minh được, nhất là những người đã lớn tuổi. Họ cử người giúp việc xem giúp các bộ phim trên DVD và cho ý kiến”.
Bầu chọn theo ý kiến người khác không phải là chuyện hiếm. Ví dụ, nam ca sĩ Chris Martin từng bầu chọn phim Oscar theo ý người vợ cũ của anh là nữ diễn viên Gwyneth Paltrow.
Từ nhận định “người giúp việc bầu thay thành viên Viện Hàn lâm”, Norman cũng cho rằng bộ phim The Help (Người giúp việc) hồi năm 2011 được Oscar ưu ái đến vậy là do chiếm được cảm tình của những người giúp việc ngoài đời. Bộ phim nói về mối quan hệ giữa một chủ nô da trắng và 2 người giúp việc da đen, được 4 đề cử gồm Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc và 2 đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Sau đó phim thắng giải Nữ diễn viên phụ cho Octavia Spencer.
Khán giả không xem nhưng nhận xét rất hùng hồn
Vài ngày trước Oscar, có một thống kê không vui được đưa ra. Năm 2014, thị trường điện ảnh chạm đáy doanh thu trong vòng 20 năm, và các phim Oscar, vốn là những phim kén người xem so với mặt bằng chung, cũng chịu ảnh hưởng. Không có gì bất ngờ khi bộ phim thắng giải lớn nhất, Birdman (Người chim), cũng lập kỷ lục là một trong những Phim hay nhất có doanh thu thấp nhất mọi thời.
Là phim Oscar duy nhất có doanh thu khủng, American Sniper (Lính bắn tỉa Mỹ) thu về hơn 400 triệu USD nhờ quảng bá là “phim chiến tranh” chứ không phải “phim nghệ thuật”. The Imitation Game (Trò chơi giải mã) và Grand Budapest Hotel (Khách sạn đế vương) xếp thứ hai và ba nhưng đều không vượt qua 100 triệu USD. Các phim còn lại kém hơn. Vì vậy, không nhiều khán giả đã xem đầy đủ hoặc ít nhất là một vài phim Oscar năm nay.
Những diễn viên chiến thắng tại Oscar năm nay, từ trái sang: J.K Simmons, Patricia Arquette, Julianne Moore và Eddie Redmayne
Để kiểm chứng điều này, nhà báo truyền hình Jimmy Kimmel đã thực hiện một “thí nghiệm”. Anh tiếp cận các khán giả trên Đại lộ Hollywood ở Los Angeles, hỏi họ về những tình tiết không có trong các bộ phim được đề cử. Việc khán giả trả lời hùng hồn như thể họ đã xem phim khiến toàn bộ phần trả lời trở thành trò hề, được tổng hợp lại trong phóng sự Lie Witness News (Bản tin bằng chứng nói dối).
Chẳng hạn, Kimmel nói về cảnh nhân vật Stephen Hawking (Eddie Redmayne đóng trong The Theory Of Everything) đứng dậy khỏi xe lăn và đấm vào mặt nhân vật Albert Einstein. Một khán giả cảm thán: “Cảnh đó thật khó tin. Thật đáng đi vào lịch sử!”. Thực tế thì phim không có cảnh nào như vậy.
Một câu hỏi khác của Kimmel: “Bạn nghĩ sao về diễn xuất của Helen Mirren trong vai Larry Bird ở phim Birdman?”. Người được hỏi đã khẳng định tầm quan trọng của vai diễn được nhắc đến, dù vai này hoàn toàn không tồn tại.
Kimmel cũng chơi khăm khán giả tương tự khi “cho” Angelina Jolie đóng vai Rosa Parks trong bộ phim Selma, và hỏi “Vai đó có mạnh mẽ không?”. “Rất mạnh mẽ” - một khán giả quả quyết, và còn nhận xét thêm về một cảnh “rất gợi cảm” trên xe bus của Jolie trong phim đó, dù nữ diễn viên không hề đóng Selma.
Kimmel còn bịa ra cảnh Julianne Moore khóc suốt 90 phút trong bộ phim tưởng tượng Cryface, và đáp lại là sự thán phục của một khán giả. Thực tế, minh tinh kỳ cựu nhận giải Oscar năm nay với vai chính trong Still Alice.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags