Chuyện ít biết trong thành trì Raqqa của IS

Thứ Hai, 15/09/2014 20:50 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) – Trên chiếc giường tại một bệnh viện ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Zakhari – một tình nguyện viên cứu hộ ở Syria, người bị “thổi bay” đầu gối trong một cuộc không kích tại Raqqa, đã kể lại chuỗi ngày sống trong ác mộng kinh hoàng dưới chế độ cai trị tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Câu chuyện của Zakhari và hàng trăm nghìn người dân sống ở Raqqa – “pháo đài” của những tên khủng bố man rợ bậc nhất thế giới, chính là những bằng chứng rõ ràng nhất về cuộc sống như nơi địa ngục do lực lượng cờ đen gây ra. 

Với khuôn mặt xanh xao, đầy đau đớn vì những vết thương ở đầu gối và cánh tay bị gãy gây ra, Zakhari chia sẻ: “Tình hình ở Raqqa thực sự là một bi kịch.Các bệnh viện bị cắt mọi nguồn cung cấp. Thật khó cho những người rời khỏi Raqqa và chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không còn nhà cửa hay thức ăn ở đây. Con đường qua biên giới gần nhất cũng bị đóng cửa”.

May mắn thay, Zakhari đã được phép sang Thổ Nhĩ Kỳ điều trị thông qua cửa khẩu thường bị niêm phong Akcakale. Tuy nhiên, đối với các chiến binh thánh chiến IS, điều này lại không gặp phải bất cứ khó khăn trở ngại nào bởi trong tháng qua, nhóm đã thành lập một tuyến đường kiểm soát buôn lậu giữa thị trấn Tal Abyad của Syria và huyện Ackakale, thuộc tỉnh Sanlıurfa của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, chúng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại quốc gia thành viên của NATO. Thực tế, cách phòng bệnh của Zakhari chỉ vài bước chân là nơi một chiến binh thánh chiến IS cũng đang nằm điều trị.

Lực lượng chiến binh thánh chiến IS hành quân ở Raqqa.

Theo những người sống sót, việc chính phủ Syria thực hiện những cuộc không kích vào các mục tiêu IS đã khiến hàng loạt cư dân Raqqa thiệt mạng, trong khi đó, phần lớn nhóm thánh chiến rời khỏi khu vực tấn công lại hầu như không hề hấn gì. Cư dân Raqqa và các nhà hoạt động cũng cho rằng nỗi sợ chứng kiến người dân vô tội đổ máu, thiệt mạng vẫn tiếp tục đeo bám Raqqa khi liên minh do Mỹ dẫn đầu chính thức tuyên bố sẽ trừ khử tận gốc rễ những phần tử cực đoan của Nhà nước Hồi giáo. 

Abu Ibrahim, một trong những nhà hoạt động của tổ chức Raqqa is Being Slaughtered Silently, người đã di cư khỏi Syria, cho biết: “Từ giữa tháng 8 đến nay, chúng tôi đã ghi nhận hơn 150 cuộc không kích và 10 vụ tấn công bằng tên lửa scud ở Raqqa. Hầu như tất cả thương vong đều là dân thường”.

Chết chóc mỗi ngày

Theo nhật báo The Christian Science Monitor của Mỹ, hàng loạt các vụ đánh bom kinh hoàng do IS thực hiện diễn ra ngay sau khi lực lượng thánh chiến giành quyền kiểm soát sân bay Tabqa trong cuộc đối đầu trực tiếp đẫm máu nhất với quân đội trung thành của Tổng thống Bashar al-Assad hôm 24/8. Các nhà hoạt động địa phương cũng cáo buộc, 4 ngày sau đó, Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã thực hiện 3 vụ hành quyết khác nhau và giết chết 400 tù nhân.

Raqqa hoang tàn và đổ nát sau những cuộc tấn công đẫm máu của IS.

“Trước đây, mỗi tuần, chúng thực hiện tấn công một lần. Tuy nhiên hiện nay, chỉ trong một ngày, số vụ tấn công có thể lên đến 5 đến 7 vụ”, Abu Ahmed, một cư dân địa phương ở Raqqa sơ tán đến Akcakale cho hay.

“Mỗi ngày, khi máy bay đến thì dân thường lại thiệt mạng nhưng không ai biết về điều này vì (IS) cấm quay phim. Giờ đây, sau khi đã mất tất cả các căn cứ ở Raqqa, chính quyền bắt đầu đánh sang trái, phải và trung tâm. Họ không hề quan tâm mình đánh cái gì”, Umm Ali, một phụ nữ chạy trốn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ nói.
 
Theo một nhóm hoạt động tại địa phương, một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất vào Raqqa đã diễn ra hôm 6/9, khi IS giết hại hơn 50 thường dân tại phố Tal Abya. Cũng theo nguồn tin này, sự kiện đẫm máu đã khiến 15 thành viên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng bỏ mạng, trong khi đó, tổ chức Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) lại cho rằng con số này là 9 chứ không phải 15 chiến binh thánh chiến như báo cáo ban đầu. Bên cạnh đó, cuộc tấn công cũng khiến một số tòa nhà thuộc sự kiểm soát của IS đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Đổ lỗi cho ai?

Nhiều người Syria và các nhà phân tích nước ngoài cho rằng sự gia tăng hoạt động nhanh chóng của IS xuất phát từ chính sách của chế độ Assad, khi chính phủ Syria phóng thích nhiều tù nhân là các chiến binh Sunni vào thời điểm bắt đầu cuộc nội chiến. Không những vậy, Damascus còn khiến nhiều nhóm phiến quân ôn hòa trở nên cực đoan khi bằng cách bắt buộc lựa chọn giữa chính quyền và IS.

"Damascus còn khiến nhiều nhóm phiến quân ôn hòa trở nên cực đoan khi bắt buộc họ lựa chọn giữa chính quyền và IS".

Youssef Daais 45 tuổi, một nhà báo chuyển từ Raqqa đến Thổ Nhĩ Kỳ bình luận: “Chế độ này đang thuyết phục phe đối lập chính quyền Syria và các đồng minh chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Assad muốn phương Tây tin rằng mình là người duy nhất có thể giải quyết được Daash (IS). Nếu điều này xảy ra, giai đoạn tiếp theo sẽ còn tồi tệ hơn. Vấn đề này có liên kết sâu sắc với sự sụp đổ của chế độ. Nếu Mỹ nghiêm túc trong việc giải quyết khủng bố thì sau đó họ phải giải quyết cả Assad vì ông ta là gốc rễ của toàn bộ cuộc khủng hoảng này”.

Thứ 4 tuần trước (10/9), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề ra chiến lược triển khai máy bay không người lái đến Syria để thực hiện các cuộc không kích loại trừ IS, đồng thời hỗ trợ hoạt động tiêu diệt tận gốc lực lượng thánh chiến của nhóm  ở Iraq. Một quan chức cấp cao giấu tên tại Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã “sẵn sàng thực hiện các hành động trực tiếp chống lại các mục tiêu (IS) ở Syria". Tuy nhiên, thời gian diễn ra chiến dịch vẫn chưa được tiết lộ dù trong tuần này, máy bay giám sát không người lái của Mỹ đã có mặt tại Raqqa. 

Sự mở rộng hoạt động cả về lực lượng và phạm vi đánh chiếm của IS là điều không thể phủ nhận.

Về phần mình, Nhà nước Hồi giáo dường như đang ở thế cầm lưỡi dao nên đã nhanh chóng cho sơ tán lực lượng từ thành phố đến các vùng ngoại ô. Theo cư dân địa phương và các nhà hoạt động, khách sạn Odessa, được cho là nơi trú ngụ của nhiều gia đình các chiến binh thánh chiến, đã được dọn sẵn một lối thoát hẹp nếu phương Tây chính thức ra lệnh tấn công.

Trước giờ G, hàng trăm người Syria đã di cư khỏi những khu vực IS chiếm đóng và chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu Kilis. Những người rời Raqqa cho biết, để tránh xung đột xung quanh thành phố Aleppo, họ phải đi đường vòng dài 320km và mất đến 17 giờ đồng hồ di chuyển. Những gia đình có chứng từ hợp lệ thì phải đợi lâu hơn và đăng ký nhập cảnh từ một ngày trước đó, số còn lại phải men theo tuyến đường của những kẻ buôn lậu. Tuy nhiên, vào được Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi người phải trả ít nhất 100 USD (hơn 2 triệu đồng). Trong khi đó, nếu bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện, người di cư bắt buộc phải quay trở lại Syria, thậm chí có thể bị bắn chết.

Kế hoạch của Mỹ có được hoan nghênh?

Thực tế, khi hay tin Mỹ triển khai kế hoạch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, người dân Syria đều có tâm lý chung là vừa mừng vừa lo bởi không ít cư dân vẫn còn đang sinh sống trong khu vực do IS kiểm soát. “Xin vui lòng nói với họ rằng hãy tập trung tấn công vào những căn cứ của chúng và đừng đánh vào các vùng dân sự”, một người đàn ông ở Tal Abyad (Raqqa) cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Kế hoạch trừ khử IS của Mỹ không phải đều được tất cả người dân Syria hoan nghênh.

Ngược lại, nhiều người khác lại hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và hy vọng rằng kế hoạch thực hiện không kích sẽ được thông qua, để “các vụ đánh bom tùy ý của chế độ Assad” sẽ sớm đi vào hồi kết. 

Hải Yến
Theo The Christian Science Monitor

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›