(Thethaovanhoa.vn) - Vào 11h hôm qua (2/3), đám cháy lớn đã diễn ra tại Rạp Khăn Quàng Đỏ (thuộc Cung Thiếu nhi Hà Nội). Đám cháy đã không gây thiệt hại về người. Song, đám cháy là lời cảnh báo nghiêm túc tới việc bảo tồn những “di sản” đặc biệt của người Hà Nội: Di sản ký ức.
“Di sản ký ức” của người Hà Nội
Ông Lê Văn Lân, KTS trưởng công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội nhớ lại: năm 1974, chúng tôi bắt đầu xây dựng công trình. Thời đó, chúng tôi nhặt nhạnh từng viên đá để sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Những khốn khó đó đã trở thành một phần ký ức được người Hà Nội trân trọng.
Bên cạnh đó, do là một trong những hạng mục quan trọng chào đón hòa bình nên công trình cũng được đầu tư đặc biệt. “Ví như hàng cột ở sân của cung. Hàng cột này lõi bằng bê tông, bên ngoài phủ granito. Đây là những vật liệu cố gắng nhất, tốt nhất thời đó. Những người làm ra hệ thống cột cũng là những người thợ giỏi nhất được tuyển chọn khắp miền Bắc. Hiện tại, hàng cột đã bị đập đi nhiều do quá trình cải tạo nâng cấp năm ngoái”- KTS Lê Văn Lân chia sẻ.
Trong giới kiến trúc, Cung Thiếu nhi còn là biểu tượng về nguyên lý thiết kế, bản lĩnh nghề nghiệp. PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, chia sẻ: KTS Lê Văn Lân đã có lần suýt bị tước bằng KTS và chứng chỉ hành nghề để bảo vệ quan điểm thiết kế của mình. Ông đã chọn phương án thiết kế mất nhiều thời gian hơn nhưng đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ công trình. Cuối cùng, quan điểm của ông đã được thấu hiểu và tôn trọng.
Về rạp Khăn Quàng Đỏ vừa cháy, giới KTS đánh giá: Rạp Khăn Quàng Đỏ là công trình nhà hát được thiết kế tỉ mỉ và phức tạp nhất thời bấy giờ với 520 ghế. Rạp đòi hỏi phải có hầm trú ẩn tránh bom, một trong những yêu cầu khó khăn nhưng rất cấp thiết thời đó. Công trình có buồng đèn rọi ở hai bên trước sân khấu và dàn đèn phía trên trần trước sân khấu, có cầu trình diễn trước sân khấu…
Tranh cãi quá trình cải tạo nâng cấp
Qua thời gian, Cung Thiếu nhi có những dấu hiệu xuống cấp. KTS Lê Văn Lân cùng giới kiến trúc đều thừa nhận, việc nâng cấp Cung là vấn đề bức thiết. Tuy nhiên, việc nâng cấp như thế nào đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh cãi khi công trình khởi công năm ngoái.
“Trong quá trình cải tạo nâng cấp, tôi không được biết từ đầu. Tôi rất buồn vì công trình cải tạo nâng cấp đã không tôn trọng quyền tác giả. Tức là, bất cứ cái gì làm sai lệch so với nguyên bản phải hỏi ý kiến tác giả theo thông lệ quốc tế.”- KTS Lê Văn Lân chia sẻ.
KTS Lê Văn Lân nói tiếp: Tôi nghĩ, việc tiếp cận “di sản” kí ức đặc biệt này cần hết sức thận trọng. Nếu chủ thầu hay đơn vị thi công bảo tôi từ đầu, tôi sẽ giúp đỡ hết sức. Tôi sẵn sàng làm một nhân viên bình thường, không nhận thù lao để góp sức cải tạo nâng cấp công trình sao cho bảo tồn tốt nhất, hạn chế chi phí nhất. Điều đó sẽ khiến công trình vừa giữ được dấu ấn lịch sử, vừa phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Còn theo PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan, công trình này là công trình “di sản” kể câu chuyện thời đại. Vật liệu phải giữ càng nhiều càng tốt mới có thể làm “nhân chứng lịch sử”. Nhưng đơn vị thi công đã thay rất nhiều .
Theo giới kiến trúc, cụ thể, bộ cửa gỗ “vẫn còn tốt” của công trình đã thay bằng cửa nhựa lõi thép; những khung cửa tròn đặc trưng đã thay bằng cửa vuông; hệ thống cột do các thợ lành nghề hàng đầu miền Bắc thi công đã bị đập bỏ gần như toàn bộ…
“Họ (đơn vị thi công- PV) đã không hiểu một cách đầy đủ. Họ coi đây là di sản nên không đập đi xây mới.”- Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ- “Nhưng việc cải tạo kiểu dóc thịt để lại bộ xương là không đúng. Ngoài Cung thiếu nhi, vận mệnh của rất nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử đặc biệt cũng đang bị đe dọa với cách làm như thế này. Bởi, nhiều công trình không hào nhoáng, bắt mắt nhưng mang nhiều tầng giá trị kiến trúc, lịch sử, xã hội sâu thẳm cần bảo tồn và phát huy”.
Công trình hoàn toàn của Việt Nam |
Phạm Mỹ - Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags