Chuyện linh vật rắn "văn hóa" ở Bình Định

Thứ Tư, 22/01/2025 20:46 GMT+7

Google News

Thời gian này, khắp các địa phương trong mọi miền tổ quốc đều khoe linh vật của mình nhân dịp Tết Ất Tỵ. Bình Định cũng đã trình làng một linh vật là loài rắn kết hợp giữa văn hóa và công nghệ. Nó được hình tượng hóa như sự vươn lên, thể hiện sức mạnh của công nghệ.

"Áp lực" linh vật

Cuối năm, khi không khí Xuân rộn ràng đến với khắp nơi trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, thì cũng lúc ấy, "áp lực" vô hình đến từ các con linh vật đè nặng các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương.

Chuyện linh vật rắn "văn hóa" ở Bình Định - Ảnh 1.

Ngôi vương sẽ thuộc về địa phương nào, ai cũng muốn linh vật của mình đẹp nhất, không được nằm trong TOP thì cũng đừng để bị các anh hùng bàn phím ném đá và ít ra cũng phải gà ra gà, cuốc ra cuốc.

Áp lực từ lãnh đạo lại nhân đôi đem xuống cho các nghệ nhân, các nhà thiết kế đảm nhận nhiệm vụ hàng triệu con mắt nhìn vào này.

Vô hình trung cuộc thi biểu trưng linh vật luôn trở thành đề tài HOT của cư dân mạng mỗi khi Tết đến Xuân về.

Chuyện linh vật rắn "văn hóa" ở Bình Định - Ảnh 2.

Trong một lần, một vị lãnh đạo nói với tôi, ban đầu, chính quyền chỉ mong muốn có một điểm check in cho người dân và du khách, tạo điểm nhấn cho tỉnh. Nhưng, để có một linh vật được sự công nhận của người dân, lãnh đạo tỉnh cùng nhiều đơn vị liên quan đã "đau đầu" ngay từ khi lên ý tưởng.

Rắn "văn hóa" và rắn "công nghệ"

Không xinh xắn như "rắn Quảng Ngãi", không hiện đại như rắn Phú Yên, không sang trọng như rắn Đà Nẵng, cụm linh vật Bình Định trình làng với 2 ý tưởng tưởng như độc lập nhưng lại liên quan mật thiết với nhau: rắn văn hóa và rắn công nghệ.

Giải thích về điều này, Phó Giám đốc sở Văn hóa và thể thao Huỳnh Văn Lợi cho biết: theo quan niệm người xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy, rắn thần Naga là biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc.

Chuyện linh vật rắn "văn hóa" ở Bình Định - Ảnh 3.

Hiện thực hóa điều này, Bình Định đã xây dựng hình tượng linh vật Rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5m, được mô phỏng sinh động và được đặt trước trung tâm tượng cụm tháp Dương Long. Mô hình rắn 5 đầu, hướng về đất mẹ anh hùng thể hiện sự sung túc, ấm no.

Tiếp nối văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất Bình Định, các nghệ nhân cũng đã xây dựng hình ảnh rắn công nghệ hướng ra Biển Đông như sự vươn lên, thể hiện sức mạnh của công nghệ. Năm 2025 cũng là năm mà tỉnh Bình Định tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, vươn ra biển lớn. Đó là hình ảnh rắn được lắp ghép bằng các khối, trụ, tạo cảm giác hào hùng, mạnh mẽ như robot (công nghệ). Rắn được chui ra khỏi đôi bàn tay nắm chặt vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm của Bình Định cùng với cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Có quá khứ với văn hóa, lịch sử hào hùng, có hiện tại với sự đoàn kết, quyết tâm, có tương lai với sự nỗ lực phấn đấu, đưa Bình Định vươn mình ra biển lớn ở kỷ nguyên mới. Hi vọng, cụm linh vật mà Bình Định trình làng thể hiện được sự khát khao mà lãnh đạo tỉnh gửi gắm. Đúng như vị Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Linh vật của tỉnh Bình Định năm nay khác biệt, đó sự cách điệu của rắn thần Naga được khai quật tại cụm tháp Dương Long. Cùng với đó, đằng sau ý tưởng con rắn công nghệ để thể hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương và Tổng Bí thư về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, giúp cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình và công nghệ sẽ giúp cho Việt Nam vươn mình vào kỷ nguyên mới."

Sỹ Thắng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›