40 tác phẩm điêu khắc và hội hoạ nổi tiếng của cố hoạ sĩ - nhà điêu khắc Lê Công Thành và vợ ông - hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Thái đang được trưng bày trong cuộc triển lãm mang tên "Nguồn cội" tại Đà Lạt.
Một bác sĩ, một nhà thiết kế nội thất và một du học sinh Việt Nam có cơ duyên gặp nhau khi đang học tập và công tác ở nước Nga. Niềm đam mê thưởng thức tranh vẽ và tình yêu đối với mảnh đất Đà Lạt là điểm chung thôi thúc họ trở thành những cầu nối giữa hội hoạ và công chúng yêu nghệ thuật phố núi.
Sự khởi đầu mang tên "Nguồn cội"
Mới đây, công chúng yêu nghệ thuật nơi "Thành phố ngàn hoa" - TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lần đầu tiên được chiêm ngưỡng tại Đà Lạt hơn 40 tác phẩm điêu khắc và hội hoạ nổi tiếng của cố hoạ sĩ - nhà điêu khắc Lê Công Thành (sinh năm 1932, mất năm 2019) và vợ ông - hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Thái (sinh năm 1943).
Triển lãm mang tên "Nguồn cội" đang diễn ra tại Mimosa Gallery (số 17 Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, TP Đà Lạt), kéo dài đến 27/5 tới.
Tác phẩm của họa sĩ, điêu khắc gia Lê Công Thành là những bức tượng tràn đầy triết lý về tình yêu, nhân sinh, về nguồn cội, về sự giao hòa giữa tự nhiên và con người. Trong khi đó, hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim Thái nổi tiếng với những tác phẩm vẽ phụ nữ căng tràn vẻ đẹp phồn thực. Trong lần đầu có mặt ở Đà Lạt, sáng tác của vợ chồng nghệ sĩ đã được công chúng yêu nghệ thuật phố núi đón nhận một cách hào hứng và nhiều cảm xúc.
Chọn chủ đề nguồn cội và câu chuyện nghệ thuật của vợ chồng nghệ sĩ Lê Công Thành - Nguyễn Thị Kim Thái để ra mắt triển lãm đầu tiên trong chuỗi dự án nghệ thuật của mình, đại diện Mimosa Gallery, chị Ngô Lê Khánh Huyền chia sẻ: Nghệ thuật của Lê Công Thành - Nguyễn Thị Kim Thái vừa tràn đầy triết lý nhân sinh vừa tươi trẻ, hiện đại; cộng với tình yêu song hành, bền chặt của họ là thông điệp mà Ban tổ chức muốn gửi tới cộng đồng yêu văn hoá nghệ thuật Đà Lạt.
Là người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Mát-xcơ-va (Liên bang Nga), từ nhỏ đã được đi thăm quan các bảo tàng nghệ thuật của Nga, căn nhà luôn ngập tràn tranh vẽ của em trai, hội hoạ đã trở thành niềm yêu thích đặc biệt của Khánh Huyền. "Có mặt ở Đà Lạt với không gian văn hoá của Mimosa Gallery cùng hội hoạ và các nghệ sĩ, chúng tôi mong muốn có thể kết nối và lan toả nhiều hơn tình yêu hội hoạ nói riêng, nghệ thuật nói chung giữa những người yêu thích văn hoá nghệ thuật nơi đây", Khánh Huyền nói thêm.
Ước mơ về một "điểm đến văn hoá cộng đồng" của Đà Lạt
Theo ghi nhận của người viết, mặc dù phòng tranh được tổ chức bởi nhóm sáng lập là những "tay ngang" - những người không hề được đào tạo cũng không hoạt động trong lĩnh vực hội hoạ; nhưng những ngày qua, triển lãm "Nguồn cội" đã thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đó là những vị khách du lịch trong và ngoài nước, là văn nghệ sĩ và một bộ phận công chúng yêu thích hội hoạ ở nhiều nơi.
Được biết, phòng tranh Mimosa Gallery và triển lãm "Nguồn cội" là dự án nghệ thuật đầu tay của nhóm sáng lập gồm tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Cao Cường, Trưởng khoa Y Dược, Trường Đại học Yersin Đà Lạt; anh Trần Hải Dương, Giám đốc một công ty thiết kế nội thất và chị Ngô Lê Khánh Huyền, cựu du học sinh Nga.
Trong những năm tháng học tập và công tác tại nước Nga trước đây, những người Việt xa xứ này đã gặp nhau và không lâu sau khi trở về nước, họ bắt đầu "thai nghén" và cho ra đời Mimosa Gallery.
Anh Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Mimosa Gallery cho biết, anh có 16 năm học tập và nghiên cứu ở Nga. Tại đây, khi chứng kiến mỗi thành phố của nước bạn đều có những không gian văn hoá nghệ thuật (của cả nhà nước lẫn tư nhân) để phục vụ nhu cầu chia sẻ và tìm hiểu bản sắc nghệ thuật địa phương, anh luôn cảm thấy bị thôi thúc phải làm gì đó tương tự cho quê hương.
Người con của cao nguyên Lâm Đồng chia sẻ, Đà Lạt vốn là điểm đến của du lịch văn hoá và thời gian gần đây được nhiều nghệ sĩ, nhiều đơn vị lựa chọn để hiện thực hoá các dự án âm nhạc; song lĩnh vực hội hoạ thì chưa có nhiều. Chính vì thế, anh Cường cho rằng cần phải có thêm nhiều điểm đến hội hoạ để làm phong phú bức tranh văn hoá nghệ thuật cho phố núi này.
"Thời gian vừa qua, từ nguồn kinh phí của phòng tranh – do các thành viên sáng lập đóng góp, chúng tôi đã tổ chức triển lãm "Nguồn cội" và sắp tới sẽ tổ chức workshop về nhiếp ảnh vào ngày 11/5. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ kết nối được nhiều hơn nữa các hoạt động tương tự", anh Cường chia sẻ.
Là người phụ trách toàn bộ phần thiết kế ánh sáng, decor, nội thất cho phòng tranh và các triển lãm, anh Trần Hải Dương cho biết, vừa cố vấn cho nhau, vừa xin ý kiến một số hoạ sĩ, nhóm sáng lập đã cố gắng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để cùng nhau tạo ra một không gian trưng bày nghệ thuật chuyên nghiệp nhất có thể.
"Điều khiến chúng tôi cảm thấy được khích lệ là gallery được nhiều người đánh giá là ấm cúng, tạo được sự hứng khởi", anh Dương nói và nhấn mạnh, trong tương lai nhóm sáng lập mong muốn Mimosa Gallery sẽ trở thành một "điểm đến văn hoá cộng đồng" của Đà Lạt, được nhiều người biết đến, sẽ kết nối được nhiều hoạ sĩ, nhiều phong cách hội hoạ khác nhau, rồi sẽ có thêm nhiều Mimosa Gallery…
Bên cạnh đó, là người làm thiết kế nội thất nhiều năm, anh Dương luôn đau đáu ý tưởng tích hợp không gian hội hoạ vào sản phẩm nội thất. Thông qua gallery này, anh cũng mong muốn có nhiều người chú ý đến nghệ thuật hội hoạ hơn khi thiết kế ngôi nhà của mình.
Khi được hỏi: "Trở thành điểm đến văn hoá cộng đồng" của Đà Lạt xong rồi thế nào? Có đóng góp gì thêm cho Đà Lạt và người Đà Lạt không?..., anh Dương nói rằng, cần có thêm thời gian để mấy anh em sắp xếp những dự định này; nhưng chắc chắn sẽ có.
"Chẳng hạn như là kết nối với ngành du lịch địa phương để tạo ra thêm sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hoá nghệ thuật, sẽ định kỳ tổ chức những workshop nho nhỏ mời hoạ sĩ về dạy các lớp hội hoạ cho trẻ em…", anh Dương nói.
Tags