Trong các nghệ sĩ rời khỏi Khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu (quận 8) để về ở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khang trang hơn, có lẽ NSƯT Diệu Hiền là người buồn hơn cả. Bà đã nương náu nơi cũ từ năm 2015, với quá nhiều kỷ niệm cùng đồng nghiệp và khán giả.
Với tài năng của mình, Diệu Hiền được giới sân khấu gọi là Đệ nhất đào võ. Các vở diễn làm nên tên tuổi của bà là Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Người nhện xám…
Nhớ quên tuổi già
Nếu như nhiều năm trước, NSƯT Diệu Hiền chỉ phải chống chọi với các cơn đau nhức xương khớp và trái tim yếu ớt, thì giờ đây trí óc bà đã có dấu hiệu nhớ nhớ, quên quên. Đây là dấu hiệu của tuổi già, đồng thời còn do tác dụng phụ của thuốc giảm đau. Có lúc bà quá đau đớn, buộc phải dùng thuốc giảm đau liều cao. Thuốc mạnh đến mức uống xong ít phút sau đứng lên đi đứng nhẹ nhàng, nhưng khi thuốc tan, cơn đau trở lại hành hạ thân xác và tâm trí bà dữ dội.
Giờ thì bà đã không còn có thể hát và đi điệu bộ, vì nếu cố gắng nhớ lời sẽ quên nhịp, mà nhớ nhịp sẽ quên lời. Thế nên, trong những cuộc viếng thăm của người hâm mộ đã không còn tiếng hát sang sảng của bà như hồi 2 - 3 năm trước. Trích đoạn Tần Quỳnh khóc bạn mà bà thường hát trong Khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu từng khiến người ta say mê, nay đã tắt hẳn.
Giờ đây, bà sang nhà mới, dẫu có khang trang và điều kiện chăm sóc tốt hơn, nhưng vẫn chưa kịp quen. Chốn cũ, bà đã quen thuộc từ ngọn cây cọng cỏ, tiếng chó sủa, tiếng chim kêu. Nó đã trở thành mái ấm của bà, rời đi lòng thấy không nỡ. Có lẽ theo thời gian, bà sẽ thích ứng với môi trường sống mới. Nhưng tâm lý người già là thế, khó mà lãng quên những gì thuộc về ký ức. Ngay cả ký ức xa hơn, bà vẫn không quên, dù lời kể không còn mạnh lạc. Trong ánh mắt xa xăm, khi được hỏi lần về quá khứ, nhắc đến đâu bà kể đến đó. Nhưng khi thấy trong người mệt, bà phải ngưng lại để nghỉ ngơi. Lúc đó, có hỏi thêm bà cũng không thể nhớ. Đó là lý do về sau này bà không còn muốn tiếp phóng viên báo chí. Bà sợ mình nói sai, và cũng không muốn người ta chứng kiến mình bị bệnh tật hành hạ.
Hồi tháng 2/2016, bà xin gia đình cho vào ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu vì muốn con cháu bớt lo toan, lại được gần đồng nghiệp, khán giả. Bà chia sẻ với báo giới rằng, thời còn khỏe, mình chưa bao giờ nghĩ có ngày mình vào viện dưỡng lão sống. Mấy lần đến đây biểu diễn, bà thường đùa: Các anh chị vào ở trước, tôi chắc cũng có ngày vào.
"Không ngờ giờ đây lại là sự thật. Nhưng chuyện gì đến thì sẽ đến. Tôi luôn có suy nghĩ lạc quan. Không bao giờ tôi thích sự yếu đuối, khóc lóc hay nước mắt" - bà kể.
Bà nói thêm: "Với nghề, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị đối xử bạc bẽo hay tủi thân vì hoàn cảnh về già. Tôi nghĩ khán giả đã cho tôi quá nhiều. Nghề hát dù muốn dù không đã giúp cho tôi thoát khỏi chiếc ghe bị thủng đáy mà năm xưa cả gia đình 7 người gồm tôi, cha mẹ và các anh chị em phải bấu víu sống ở chân cầu Rạch Bần, bến Chương Dương, Sài Gòn xưa".
"Với nghề, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị đối xử bạc bẽo hay tủi thân vì hoàn cảnh về già. Tôi nghĩ khán giả đã cho tôi quá nhiều" - NSƯT Diệu Hiền.
Một thời lừng lẫy
Diệu Hiền là "đệ nhất đào võ" của sân khấu cải lương Việt Nam. Bà sở hữu một ánh mắt rất tình, nhưng khi cần lại chuyển sang uy phong, oai dũng. Cộng với thủ pháp nhanh lẹ nhờ học võ từ sớm, bà thực hiện cảnh võ thuật trên sân khấu rất đẹp.
Những vai diễn của bà trong Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào… đã gần như trở thành kinh điển cho sân khấu cải lương, cho những diễn viên trẻ muốn tham khảo lối diễn của một đào võ. Nhìn lối ca và diễn của bà, khán giả cảm nhận được khí thế hừng hực của người dũng sĩ. Ngược lại, khi bà hóa thân vào thân phận đào mùi cũng lấy được nước mắt của vô vàn khán giả.
Thời hoàng kim của cải lương kéo dài từ thập niên 1960 đến 1990. Ngày ấy, theo lời đồng nghiệp, Diệu Hiền là cái tên khá đắt sô, kiếm được khá nhiều tiền, nhưng tự thân lo cho mẹ, các em và nuôi 5 đứa con, nên cũng nặng nhọc. Những bạn bè nghèo khó cần giúp đỡ, bà cũng sẵn lòng chia sẻ mà không cần suy nghĩ nhiều. Tính tình khoáng đạt ấy đã khiến bà luôn trong tình trạng hôm trước tiền đầy túi, hôm sau hết nhẵn. Rồi lại đi hát liên tục, tiền nhiều, rồi lại chia sẻ, lại hết. Bà không biết cách gìn giữ, thủ thân cho tuổi già, thấy thương tình là giúp đỡ liền - nhất là khi đang thời thanh sắc huy hoàng, không cần phải lo nghĩ nhiều.
Chưa hết, Diệu Hiền còn có công lớn với nghệ thuật cải lương khi phát hiện ra NSƯT Vũ Linh. Đúng ra, bà thấy Vũ Linh có tố chất phù hợp với cải lương tuồng cổ, có vũ đạo tốt, nên bắt buộc Vũ Linh phải rèn luyện và ca diễn thể loại này. Lúc đầu, Vũ Linh không muốn theo, nên hỏi ngược lại vì sao bà không theo tuồng cổ Hồ Quảng, mà bắt anh theo. Đó là thời điểm Vũ Linh mới 16 - 17 tuổi. Bà giải thích rằng anh còn trẻ, thân thể còn mềm dẻo, nên học thêm để trang bị kỹ năng sau này có thể sử dụng. Kết quả, Vũ Linh trở thành ông hoàng nhờ thể loại này. Lúc đó, Vũ Linh thương và ghi ơn bà.
Khi Vũ Linh mất, dù chân tay rất đau, bà cũng nhờ người quen đưa đến viếng người học trò xuất sắc - người đồng nghiệp tài hoa lần cuối.
Năm 1977, một lần đi hát ở miền Tây sông nước, chiếc ghe chở đoàn hát bị cháy, đào chính Diệu Hiền bị mắc kẹt. Anh em đồng nghiệp trên bờ kêu gọi thúc giục, bà nhớ đến các con nhỏ và mẹ già, lấy hết sức bình sinh tông cửa lao xuống nước. Tuy thoát chết, nhưng bị cháy, lột da, cánh tay phải bà bị co gân cơ. Bà phải nghỉ hát để điều trị trong một thời gian khá dài, Vũ Linh cũng nghỉ hát mấy tháng để chăm sóc.
Bắt đầu từ thập niên 1990, cải lương thoái trào, nghệ sĩ lao đao. Gần như tất cả đều lâm vào cảnh khó khăn. Sân khấu không sáng đèn, có người phải buộc đi hát trong đám cưới, đám sinh nhật mưu sinh. Diệu Hiền cũng không ngoại lệ.
Năm 2015, bà phát hiện bị bệnh xương khớp và tim. Gia đình hơn 10 người, sống trong căn chung cư chật chội, khá khó khăn. Bà xin và được xét vào sinh sống tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu. Đồng nghiệp trẻ lập cho bà kênh YouTube để chia sẻ các clip cũ còn lưu trữ, các trích đoạn hay, cũng như cuộc sống thường nhật ở viện dưỡng lão. Bà vui vì biết nhiều khán giả vẫn còn nhớ đến mình.
Từ rất lâu rồi NSƯT Diệu Hiền không còn bận tâm đến hào quang, danh vọng. Bà tự học Phật pháp, hiểu rằng cuộc đời này chỉ là ảo ảnh và phù du. Với bà mỗi buổi sáng thức dậy thấy mình còn thở là đã hạnh phúc.
Cuộc đời của NSƯT Diệu Hiền, với hơn 50 năm hành trình nghệ thuật, có thể cô đọng lại bằng 4 câu thơ của Hoàng Như Mai: "Khi bức màn buông, danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường"…
Vài nét về NSƯT Diệu Hiền
NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, trong một gia đình nghèo. Bà mồ côi cha từ nhỏ, sống cùng mẹ và anh chị em ở mái chòi nhỏ tại mé sông Sài Gòn. Năm 14 tuổi, bà trốn mẹ theo đoàn hát. Trong một tuồng hát bà đóng vai ni cô Diệu Hiền. Vở tuồng kết thúc, khán giả tìm gặp bà nhưng không biết tên nên gọi bà là diễn viên Diệu Hiền.
Về sau, bà về hát cho đoàn Thống Nhất của danh ca Út Trà Ôn và vinh dự được đóng đào chính cùng với bậc tiền bối này. Tại đây, vai Ngọc Hà trong vở Mắt em là bể oan cừu của bà đã thành công lớn, giúp nghệ danh Diệu Hiền vang xa trong nghệ thuật cải lương.
Sau thành công ở đoàn Thống Nhất, Diệu Hiền được săn đón ở các đại bang khác như Kim Chung, Phước Chung, Hoa Sen, Hoa Lan - Xuân Liễu. Sau năm 1975, Diệu Hiền vẫn tiếp tục là một trong những ngôi sao cải lương hàng đầu. Tại Đoàn cải lương Tháp Mười, bà thành công rực rỡ trong hàng loạt vai đào võ như Nhụy Kiều trong tuồng Nhụy Kiều tướng quân, Bùi Thị Xuân trong tuồng Nữ tướng cờ đào…Năm 1993, Diệu Hiền được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
(Còn tiếp)
Tags