Có một xu hướng dễ nhận ra ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay: Các ông lớn từ Man City, MU cho đến Chelsea đều ưu tiên tuyển mộ những cầu thủ trẻ tuổi teen, tuổi đôi mươi.
Khi Sir Jim Ratcliffe mua lại thành công cổ phần MU, ưu tiên hàng đầu của ông là cải tổ khâu chuyển nhượng. Thương vụ mua Casemiro, một tiền vệ ở độ tuổi ngoài 30 là dạng hợp đồng không còn nằm trong kế hoạch chuyển nhượng ở Old Trafford.
Sẵn sàng mua cầu thủ trẻ giá cao
MU bây giờ sẽ học theo mô hình của Man City và Real Madrid: Hạn chế mua sắm những cầu thủ trên 23 tuổi, chứ chưa nói đến chuyện dòng cầu thủ tuổi băm như Casemiro. Các thương vụ đáng chú ý gần đây của hai ông lớn châu Âu nêu trên đều hướng đến những tài năng trên dưới 20 tuổi, từ Josko Gvardiol, Erling Haaland của Man City (đều 21 tuổi) cho đến Jude Bellingham (19 tuổi), Eduardo Camavinga (18 tuổi) của Real Madrid.
Xu hướng chuyển nhượng này đã xuất hiện ở Liverpool và Chelsea cũng học theo mô hình này dưới kỷ nguyên Todd Boehly. Nó không phải điều gì quá mới lạ bởi những đội bóng dạng khá ở châu Âu như Dortmund, Sevilla, Lyon, hay Porto đã thuần thục trong nhiều năm. Đơn giản là các ông lớn sử dụng mô hình chuyển nhượng ấy nhưng có những phân tích chi tiết hơn.
Những đội bóng lớn sẵn sàng mua tài năng trẻ với giá cao kèm mức lương vừa phải nếu họ nhìn thấy hy vọng cầu thủ đó phát triển thành ngôi sao. Nó khác hẳn với kiểu chiến lược mua cầu thủ đã thành danh như Real Madrid đã làm với Zidane cách đây 23 năm khi mua tiền vệ người Pháp từ Juventus lúc anh đã 29 tuổi. Một lý do khiến các đội bóng lớn săn lùng tài năng sinh năm 2000 trở lại đây là những gì họ nhìn thấy từ EURO 2024. Các cầu thủ trẻ phù hợp với thứ bóng đá pressing cường độ cao và những đòi hỏi gia tăng về thể lực của bóng đá hiện đại.
Thị trường chuyển nhượng sẽ đảo chiều
Việc các CLB hàng đầu như Real Madrid hay MU mở đường cho những tài năng trẻ đến thi đấu đang đe dọa đến các đội bóng có truyền thống nuôi dưỡng măng non như Dortmund hay Porto. Dortmund chính là nơi Haaland và Bellingham đã trưởng thành, còn Porto là cái nôi để những cầu thủ Nam Mỹ khẳng định mình suốt 2 thập kỷ trước khi thành danh ở những CLB lớn. Bây giờ họ không còn nắm giữ đặc quyền này khi Man City mới là nơi khai thác tốt những tài năng trẻ từ Argentina, chẳng hạn trường hợp của Julian Alvarez.
Mô hình từng được coi là sự phân định cho thị trường cầu thủ giờ ngày càng bị lu mờ khi những CLB lớn đã xâm chiếm không gian vốn thuộc về những Dortmund hay Porto. Đáng nói hơn, sự ra đời của mô hình đa CLB cùng một chủ sở hữu khiến dòng chảy tài năng không còn thuộc về những đội bóng nằm ngoài các ông lớn hàng đầu nữa.
Xu hướng chuyển nhượng vì thế cũng có những đảo lộn so với trước đây. Thông thường một tài năng trẻ sẽ ưu tiên việc chơi bóng ở các CLB như Dortmund hay Lyon để xây dựng tài năng trước khi họ tìm đến những ông lớn châu lục với mức lương khổng lồ ở độ tuổi cuối 20, gần 30. Lớp cầu thủ hiện tại sẽ không cần chờ đến thời điểm ấy để có được mức lương cao ngất ngưởng mà họ đòi hỏi luôn ngay từ khi còn trẻ. Điều này khiến một vài người đại diện cầu thủ thừa nhận một số thân chủ của mình đã chấp nhận lời đề nghị từ Saudi Pro League mùa trước khi mới chỉ tiến gần đến cột mốc tuổi 30. Lý do là họ hiểu mức thu nhập nếu chuyển đến một đội bóng khác ở châu Âu không thể gia tăng hơn được nữa.
Sự dịch chuyển của các ông lớn hướng đến những tài năng trẻ sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể về xu hướng chuyển nhượng. Những đội bóng tầm trung hay thấp hơn ở châu Âu vì thế có cơ hội tạo ra đội ngũ đáng gờm hơn khi chiêu mộ những cầu thủ lớn tuổi. Điều này giúp họ có nhiều cơ hội tạo bất ngờ ở sân chơi lớn như trường hợp của Dortmund lọt vào chung kết Champions League mùa trước.
Mẫu cầu thủ như Casemiro vì thế khó có cửa góp mặt ở một đội bóng hàng đầu như MU, nhưng chỉ cần anh ta tỏa sáng ở một đội bóng trung bình khá tại châu Âu là đủ để đánh bóng tên tuổi. Những xu hướng sẽ định hướng thị trường chuyển nhượng và không loại trừ lại có một thay đổi nào đó về cách tiếp cận cầu thủ của các đội bóng hàng đầu châu Âu trong tương lai.
Tags