Nhìn vào thị trường chuyển nhượng trước mùa giải mới, cũng như lý lịch trích ngang của những ngoại binh, cầu thủ Việt kiều, sẽ thấy V-League đang ngày càng thu hút các cầu thủ nước ngoài tìm đến thử vận may.
Đã từng có nhận định ngoại binh giỏi chiếm 3/4 sức mạnh của một đội bóng V-League. Cùng với đó, những động thái mua sắm ngoại binh, nhất là vị trí tiền đạo của các CLB cho mùa giải mới chứng minh rằng nhận xét ấy thực tế vẫn đang tồn tại và chiếm bộn ngân sách của các đội bóng.
Tuy vậy, không phải tất cả các CLB ở V-League hiện nay đều dư dả để có thể "đi chợ" không tiếc tiền cho chuyện sắm ngoại binh. Có lẽ ngoại trừ số ít CLB như Hà Nội, CAHN, Thể Công -Viettel, Nam Định, B. Bình Dương, vấn đề tài chính luôn là rào cản rất lớn đối với bất cứ đội bóng chuyên nghiệp nào ở Việt Nam, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì thế, việc "chiêu binh mãi mã" xôm tụ trước mùa giải mới đã là nỗ lực lớn rất đáng ghi nhận của mỗi CLB.
Trước thềm mùa giải mới, có thể thấy, đang bùng nổ một làn sóng các nhân tố cầu thủ nước ngoài có gốc gác Việt Nam muốn được về thi đấu. Điều này cũng xuất phát từ chính sách mới của VFF khi cho phép các CLB được đăng ký tối đa 2 cầu thủ Việt kiều ở mùa giải mới thay vì 1 như trước đây. Những gương mặt mới sắp xuất hiện cộng với nhiều cựu binh như Đặng Văn Lâm, Patrik Lê Giang, Viktor Lê hay Nguyễn Filip tạo ra "làn sóng" cầu thủ Việt kiều đa dạng tại V-League. Rất có thể, điều này sẽ mang đến nét tích cực cho bóng đá nội. Các trận đấu tại V-League hứa hẹn diễn ra với chất lượng chuyên môn tốt, giàu sức cạnh tranh.
CLB CAHN đã công bố "bom tấn" là Jason Pendant Quang Vinh. Jason Pendant Quang Vinh có bản "trích ngang" khá hấp dẫn khi từng chơi cho các CLB Sochaux (Ligue 1), New York Red Bulls (MLS) và Quevilly Rouen (Ligue 2) và cũng từng có mặt trong danh sách triệu tập lên tuyển U16 và U18 của Pháp. Có vẻ, cầu thủ sinh năm 1997 này có bước chuẩn bị khá kỹ cho hành trình "hồi hương" khi nhiều lần bày tỏ muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam. Jason Pendant Quang Vinh từng tự bỏ tiền túi để đến Singapore cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 và thuê gia sư dạy kèm tiếng Việt.
Như vậy, hiện tại CAHN đang sở hữu đến 3 cầu thủ Việt kiều, trước Jason là Patrik Lê Giang và Filip Nguyễn. Dù giá trị chuyển nhượng cũng như mức lương cho Jason Pendant Quang Vinh không được công khai nhưng chắc chắn là không nhỏ, thậm chí thuộc dạng kỷ lục. Trong bối cảnh hầu hết các CLB gặp khó về kinh phí, cùng với việc phải chi đậm cho các suất ngoại binh, nội binh chất lượng, việc "đón" một cái tên Việt kiều có lý lịch "dày dặn" rõ ràng đã được các CLB cân nhắc kỹ. Cho đến lúc này, ngoài CAHN cũng đã có Hải Phòng đang thử việc một Việt kiều khác.
Đội bóng đất Cảng thời gian gần đây đang thử việc Kaelin Nguyễn. Trước khi về Việt Nam tìm kiếm cơ hội, Kaelin Nguyễn khoác áo CLB Wellington Phoenix Reserves tại New Zealand, thi đấu ở vị trí tiền đạo. Trước đây, Kaelin Nguyễn từng nằm trong kế hoạch của HLV Troussier cho các giải trẻ nhưng HLV Chu Đình Nghiêm vẫn đang xem xét kỹ, chưa vội "chốt" với trường hợp Kaelin Nguyễn. Bởi chăng, khi ký hợp đồng với cầu thủ Việt kiều này, quỹ lương đội bóng chắc chắn sẽ đội lên. Có lẽ, đây là một quyết định khó khăn mà CLB Hải Phòng đang cân nhắc.
Nhìn lại lịch sử V-League, việc trở về khoác áo cho các CLB trong nước của cầu thủ Việt kiều mỗi người mỗi vẻ khác nhau. Tạo ra dấu ấn, có được thành công như Đặng Văn Lâm, Patrik Lê Giang hay Filip Nguyễn không nhiều. Trụ lại được như Mạc Hồng Quân, Vincent Trọng Trí, Viktor Lê Khắc Quang, Martin Lò, Adriano Schmidt, Nguyễn Như Đức Anh, Steven Đặng cũng chỉ thể hiện năng lực ở mức trung bình khá. Còn thất bại hay không thể hòa nhập cũng nhiều. Như Ryan Hà vừa rời Hà Nội FC để tìm bến đỗ mới trong khi những Steven Đặng, Phạm Thanh Tiệp, Phùng Lê Cao Sơn cũng phải chia tay HAGL, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng.
Những cuộc đua trên thị trường chuyển nhượng dự báo chưa đến điểm dừng, có thể những cuộc đàm phán chưa ngã ngũ và đặc biệt là hơn phân nửa CLB vẫn đang loay hoay tìm nhà tài trợ.
Tags