Câu chuyện đội bóng nào sẽ phải rời khỏi sân Hàng Đẫy giữa 3 CLB là Hà Nội FC, Thể Công Viettel và CAHN đang là chủ đề rất được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.
Thế nhưng, ít ai biết rằng ở Hà Nội còn có một CLB khác tuy từng đặt đại bản doanh ở Thủ đô, nhưng chưa một lần có ý định lấy sân Hàng Đẫy làm sân nhà vì lường trước được tình cảnh "đất chật người đông" ở đây.
Đấy là CLB hạng Nhất Phù Đổng đã xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam từ 10 năm nay. Bắt đầu từ giải hạng Ba, rồi 2 lần vô địch giải hạng Nhì (2016 và 2020), Phù Đổng FC hiện đang chơi giải hạng Nhất quốc gia với kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Đội bóng này xuất phát từ Hà Nội và sau nhiều năm "ăn nhờ ở đậu" từ Từ Sơn (Bắc Ninh), qua Thanh Trì (Hà Nội), vài ba năm qua, Phù Đổng FC đã quyết định dọn nhà về Ninh Bình ở sân bóng sức chứa 25.000 chỗ ngồi mà 10 năm trước từng là sân nhà của Vissai Ninh Bình. Nói về việc này, lãnh đạo CLB từng chia sẻ rằng đó là mối lương duyên giữa CLB và địa phương, chứ không phải chuyện mua bán hay chuyển nhượng suất chơi, sau khi Vissai Ninh Bình đã giải thể vì tiêu cực ở AFC Cup 2014. Trước đó, Phù Đổng FC đã từng được ướm gả cho Lâm Đồng, Cần Thơ, thậm chí là Tây Ninh, nhưng không thành. Thật là cực chẳng đã.
Dù thuộc Hà Nội (thành viên của Liên đoàn bóng đá Hà Nội), nhưng Phù Đổng FC chưa từng có ý định chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà. Có lẽ là biết người biết ta, biết là không có cửa vậy.
Thực tế, sân bóng chứng nhân lịch sử Hàng Đẫy từng có tiền lệ là sân nhà của cả các đội hạng Nhất và V-League (nhiều hơn 2 đội), giai đoạn LG Hà Nội ACB (Hàng không Việt Nam, sau này hợp nhất thành CLB Hà Nội của bầu Kiên và đã giải thể năm 2013, sau khi ông bầu này phải xộ khám), Hòa Phát HN, CLB Hà Nội B (sau chuyển khẩu vào TP.HCM năm 2015, thành Sài Gòn FC, trước khi giải thể) và T&T Hà Nội (CLB Hà Nội của bầu Hiển bây giờ).
Cũng giai đoạn 2004-2009 ấy, Thể Công đã phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà, vì Hàng Đẫy quá chật chội.
Sau khi quay trở lại V-League, đội bóng này chuyển giao cho Thanh Hóa và chỉ mới trở lại sàn diễn đỉnh cao nhất của bóng đá Việt Nam từ năm 2019, đồng thời chọn Hàng Đẫy làm sân nhà từ đó cho đến nay.
Hai năm qua, Hàng Đẫy thực sự quá tải về công năng sử dụng, khi có thêm CAHN xuất hiện. Không một sân bóng nào trên thế giới được dùng làm sân nhà cho 3 CLB ở cùng thi đấu một hạng mục giải đấu cả. Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã khuyến cáo điều này, nhưng VFF và VPF chưa dám hành động hơn, đơn giản nhiều chuyện vượt tần.
Sân bãi và sân bóng ở Việt Nam luôn là đề tài nhức nhối, luôn chịu khủng hoảng thiếu trầm trọng. Hơn 30 năm qua, kể từ sau khi hội nhập trở lại, chúng ta vẫn không thể xây dựng các SVĐ sức chứa lớn, bỏ qua bao nhiêu cơ hội phát triển, cũng như các dịp may để tổ chức các giải đấu hay sự kiện thể thao - âm nhạc lớn, các lưu đấu châu Á của những CLB hàng đầu...
Đến ngay SVĐ Mỹ Đình cũng từng bị ví như đám cỏ bò gặm và thực sự đã xuống cấp nhiều hạng mục, rõ là ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của ĐTQG và cả nền bóng đá xứ sở.
Hàng Đẫy dù xuống cấp, với ít nhất 1 tầng khán đài B không thể sử dụng, nhưng vẫn là cô gái đẹp nhiều người mê. Chuyện ăn chung, ở đụng đã là rất nhạy cảm rồi! Ai mới là người phân xử đây?
Tags