(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện thưởng cho các VĐV lại bất chợt nóng lên trong những ngày vừa qua vì một “status” đầy tâm trạng của cựu tuyển thủ điền kinh quốc gia Vũ Thị Hương về những lời “hứa hão”...
- U22 Việt Nam vắng bóng, người Thái áp đảo đội hình tiêu biểu SEA Games 29
- Tạm biệt những ngày sôi động của SEA Games
- Bế mạc SEA Games 29, hẹn gặp lại tại Philippines năm 2019
Lửa và khói
Thực hư những gì mà Vũ Thị Hương nêu lên trên trang cá nhân trên mạng xã hội vẫn còn là dấu hỏi khi chính bản thân cô không nêu đích danh những ai là những người đã hứa thưởng xong không thực hiện. Tuy nhiên, câu chuyện chất chứa rất nhiều nỗi niềm lẫn sự bức xúc của một tuyển thủ quốc gia với danh tiếng “Nữ hoàng tốc độ’ Đông Nam Á có thể phần nào tin cậy được, chứ ít ai nghĩ rằng, Vũ Thị Hương đang tìm kiếm một điều gì đó qua việc chia sẻ những góc khuất nơi hậu trường trong nghiệp VĐV.
Trên thực tế trong nhiều năm qua, rất nhiều người trong số chúng ta cũng đã từng bắt gặp chuyện treo thưởng “khủng” qua những dòng tin trên báo chí mỗi khi đội tuyển bóng đá quốc gia hay đoàn Thể thao Việt Nam tham gia những trận đánh lớn. Người ta có thể đem ra bất cứ thứ gì để “treo” thưởng, từ tiền Việt đến tiền USD, hay tài sản có giá trị vốn là mơ ước cả đời của VĐV như xe máy, ô tô và thậm chí là cả… căn chung cư trị giá lên đến cả tỷ đồng.
Nhưng “treo” là một chuyện, có thực hiện hay không dường như lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những gì Vũ Thị Hương đã chia sẻ, hay mới nhất là nhà VĐTG môn taekwondo Châu Tuyết Vân vừa “bật mí” đã cho người hâm mộ thấy góc khuất xung quanh chuyện thưởng. Giành thành tích cao đã khó nhưng để nhận thưởng như đã hứa còn khó hơn, khi những người treo thưởng không còn nhớ những gì đã hứa trước đó và để mặc các VĐV mỏi mòn trong chờ đợi.
Những trường hợp như Vũ Thị Hương hay Châu Tuyết Vân cũng chỉ là thiểu số, đích thân cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm cũng chia sẻ câu chuyện đầy bi hài quanh chuyện thưởng. Từ nhiều năm trước đây, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu cũng có rất nhiều “đại gia” đến gặp gỡ hứa thưởng nhưng khi có được thành tích thì lại… mất tăm. Thậm chí có trường hợp, lãnh đạo một doanh nghiệp chủ động đến treo thưởng, sau đó khi liên hệ lại, thì ông “trưởng” bảo là ông “phó” ông ý hứa chứ tôi có… hứa đâu!?
Hãy làm Mạnh Thường Quân chân chính
Không phủ nhận, Thể thao Việt Nam có được thành tích và vị thế như ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ từ các nhà tài trợ, từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội. Điều này có thể minh chứng qua những khoản đầu tư, tài trợ, hỗ trợ và cả tiền thưởng mà nhiều tuyển thủ ở nhiều môn đã và đang nhận được từ sự hào phóng của các Mạnh Thường Quân thực thụ. Chỉ có điều số lượng những người có tâm huyết thực sự muốn sẻ chia với các VĐV chưa nhiều và đôi khi, danh tiếng của họ bị ảnh hưởng bởi những lời “hứa hão” của không ít trường hợp muốn “ăn theo” sự kiện để làm thương hiệu cá nhân.
Nhắc đến chuyện thưởng, người viết có kỷ niệm đáng nhớ. Đó là vào năm 2014, Báo Thể thao & Văn hóa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) tổ chức Chương trình “Chung sức cùng Thể thao Việt Nam chinh phục Asian Games và Asian Para Games 2014” Hàn Quốc. Số tiền hơn 1,5 tỷ đồng cho tất cả các tấm huy chương, kể cả huy chương đồng đội. Ngay khi có kết quả, chúng tôi yêu cầu các VĐV cung cấp số tài khoản, và tiền được chuyển thẳng vào cho người mang về vinh quang. Không ai có thể “tơ hào”. Đấy là một trong ít đợt thưởng bằng tiền mặt được đánh giá “khủng”, nhân văn nhất trong các giải thể thao lớn.
Vậy nên, bản thân ngành thể thao phải làm sao để doanh nghiệp tin tưởng. Với các tuyển thủ, hãy mạnh dạn lên tiếng, để bảo vệ quyền lợi của chính mình và “vạch mặt” những người “hứa cuội” làm mất đi niềm tin, làm mất đi ý nghĩa của phần thưởng cho những tấm huy chương đã thấm đẫm bao mồ hôi và nước mắt.
Vũ Lê
Tags