(Thethaovanhoa.vn) - Nhanh hơn tất cả - đó là mục tiêu của Donald Crowhurst trong cuộc đua vòng quanh Trái đất năm 1969. Nhưng quá nhiều khó khăn xảy ra, khiến vận động viên nghiệp dư ấy phải giở mẹo bẩn, và ông xin được trả giá.
- VIDEO: Vệ tinh mới tìm thấy của Trái Đất hoạt động như thế nào?
- Kỳ diệu: Phát hiện 'Mặt trăng' mới của Trái đất to như sân bóng đá
- 18 tháng từ Trái đất đến Sao Hỏa: Chọn nơi để chết?
… nhìn thấy Donald Crowhurst là thuỷ thủ tàu chở hàng Cuyahoga của Na Uy. Ngày 25-7-1969, khoảng 17 giờ, họ nhìn thấy ở vùng biển Sargasso chiếc du thuyền ba thân Teignmouth Electron.
Trên du thuyền có xuồng cứu trợ, thời tiết đẹp, mọi thứ ổn cả. Chiếc thuyền căng buồm đi về hướng Đông Bắc, còn 1800 hải lý đến bờ biển Anh quốc. Trên dây phơi có mắc áo quần, thuyền trưởng kiêm thuỷ thủ duy nhất mặc quần ngắn, râu ria xồm xoàm, trông rất lạc quan.
Ở thời điểm ấy, Donald Crowhurst đã mất trí.
Donald Crowhurst tham dự cuộc đua Golden Globe Race với chiếc thuyền ba thân hiện đại do các nhà tài trợ mua, nhưng đến tận lúc xuất phát vẫn chưa làm xong.
Một tuần sau, chiếc Teignmouth Electron cắt ngang đường đi của tàu chở bưu kiện Picardy đi Caribe, không phản ứng khi nghe còi tàu, do đó chiếc Picardy dừng lại. Thuỷ thủ trưởng lên thuyền và thấy cả đống bát đĩa bẩn thỉu, máy thu thanh bị tháo tung, băng từ, sổ ghi chép, chỉ thiếu chiếc đồng hồ vạn năng của thuyền và thuyền trưởng Crowhurst. Người ta cẩu thuyền lên tàu Picardy. Sổ hải trình ghi lại một trong những bi kịch bí hiểm nhất của ngành hàng hải thế kỷ 20.
Câu chuyện bắt đầu tám tháng trước, ngày 31-10-1968. Kênh BBC quay phim cảnh khởi đầu cuộc đua thuyền Golden Globe Race khốc liệt nhất trong lịch sử, do tờ Sunday Times khởi xướng. Ai về nhất trong cuộc đua vòng quanh Trái đất, người đó sẽ có vinh quang cộng với một núi tiền. Người tham gia toàn mang những tên tuổi cự phách như
Bernard Moitessier hay Robin Knox-Johnston, cả nhiều thuỷ thủ và thuyền trưởng tàu ngầm, tàu chiến và những người từng chèo bằng tay vượt qua Đại Tây Dương.
Tại lễ hạ thuỷ, Clare Crowhurst thả chai vang nổ đập vào thành thuyền nhiều lần mà không vỡ. Điềm gở hay không thờ không thiêng?
Donald Crowhurst là ai?
Một cái tên lạ hoắc. Ông là chủ một cửa hiệu bán phụ tùng điện tử cho thuyền buồm. Ông phải thắng để trả nợ cho ngôi nhà vay ngân hàng, cũng như quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Điều cần nhất là kinh nghiệm vượt biển thì ông hầu như không có. Nhưng Crowhurst là người thông minh và nghị lực, đang ở tuổi 35 hừng hực khí thế. Người tư vấn tiếp thị cho ông, phóng viên lá cải Rodney Hallworth, tung ra huyền thoại một vận động viên nghiệp dư sẽ chinh phục mọi kỷ lục.
Bản thân Hallworth là người đồng đầu tư vào con thuyền ba thân được coi là phép lạ của kỹ thuật. Hai thân cạnh có đầu cảm ứng, nhận ra nước vào là tự động khởi động bơm. Một cái phao khổng lồ tự bơm để dựng thuyền khi gặp nạn. Toàn bộ hệ thống được giám sát bởi computer tự chế. Tất cả đều là kỹ thuật đỉnh cao của thế kỷ - ít nhất là về lý thuyết.
Thực tế là cho đến khi khởi hành chiếc Teignmouth Electron chưa đủ sức vượt đại dương. Máy tính chưa hoàn tất, dây điện nhằng nhịt treo trên boong, và ở tốc độ cao nhất – gần 22 km/h – thân thuyền rung bần bật. Đêm trước khi ra khơi, Crowhurst rơi nước mắt thú nhận với vợ: “Thuyền chưa xong!” Nhưng bỏ dở lúc này thì đồng nghĩa với phá hợp đồng, tức là Crowhurst phải mua lại con thuyền từ các nhà đầu tư – bằng số tiền mà ông không hề có.
Sáng sớm 31-10 – 1968, Crowhurst xuất hành. Thời đó chưa có kỹ thuật định vị GPS, mạng lưới điện đài yếu và thủng lỗ chỗ. Chỉ có thuỷ thủ đơn độc với con thuyền và trăm ngàn ý nghĩ vẩn vơ.
Ngày 10-7-1969 chiếc thuyền buồm Teignmouth Electron trôi dạt vô chủ được cẩu lên tàu Picardy, chấm dứt chuyến đi dối trá
Sau hai tuần
… Crowhurst đến Madeira (Bồ Đào Nha), chậm so với dự định, sổ hải trình ghi lại hàng trăm chỗ hư hỏng, buồm rách, điện tắt, cửa sổ hở. Ít nhất thì Crowhurst tự sửa được đa số hỏng hóc, dù không tránh khỏi một dòng nhật ký: “Con thuyền khốn nạn này đang tan ra từng mảnh”.
Linh tính báo cho Crowhurst biết: Ông không thể và sẽ không thắng cuộc. Trước bờ biển châu Phi ông viết: “Thực ra tôi phải quay về. Nhưng vấn đề mà tôi sợ nhất là tiền. Quả là một quyết định gian khó.” Crowhurst tuyệt vọng tìm lối thoát, và phải giở thủ đoạn bẩn thỉu.
Ngày 10-12, ông đánh điện về nhà là đi được “243 hải lý trong một ngày” – con số kỷ lục cho loại thuyền buồm này. Rodney Hallworth vồ ngay lấy tin đó để viết một loạt bài mới.
Nhưng lúc ấy, Crowhurst đã đắm chìm trong những tin dối trá. Ông định đợi bên ngoài đường đi đã định, để các thành viên khác đi qua Mũi Sừng (Cape Horn – mỏm cực Nam của Nam Mỹ) rồi “chen hàng” vào đội hình. Dĩ nhiên Crowhurst phải tắt điện đài để không tiết lộ toạ độ của mình, và ông hư cấu thêm sổ hải trình thứ hai với những dữ kiện bịa.
Hai tháng liền
… không ai biết gì từ Crowhurst, và nhiều địch thủ của ông đầu hàng hoặc đơn giản lặn mất tăm. Crowhurst lên đất liền ở Argentina và sửa các chỗ nứt ở thân thuyền. Hai hôm sau ông điện về Anh là sắp đi qua Mũi Sừng!
Tin chấn động đó được Hallworth sốt dẻo tung lên báo. Một người ngoài cuộc đã tái hiện sau khi mất tích hai tháng, thậm chí có thể chiến thắng!
Ngày hôm ấy, Robin Knox-Johnston đã cán đích, tuy nhiên ông là người đầu tiên xuất phát và tổng cộng đi mất 312 ngày, và người chiến thắng phải là người nhanh nhất! Xét về thời gian, Nigel Tatley đang tiến dần đến vinh quang với số thời gian gần bằng… Crowhurst.
Song ở thời điểm ấy, những ngày cô đơn và áp lực nói dối liên tục đã làm Crowhurst mất trí. Trong băng thu âm hằng ngày, sau này người ta chỉ nghe ông cười sằng sặc, la hét vô nghĩa và hát. Ít nhất ông còn đủ khôn để biết sổ hải trình không qua nổi cuộc kiểm tra chuyên môn. Crowhurst quyết định đến đích thứ hai, sau Tatley, qua đó thoát được con mắt soi mói của ban giám khảo.
Trong khi Crowhurst tiếp tục đánh điện về nhà những toạ độ lạc quan thì Tatley gặp bão, chiếc Victress bị nhấn chìm và Tatley suýt chết đuối. Giờ thì Crowhurst chỉ việc bình tĩnh quay về Anh để nhận giải. Hallworth chuẩn bị số báo đặc biệt, bưu thiếp và tem rời nhà in, và một đài kỷ niệm chuẩn bị được xây. 100.000 khán giả tụ tập ở cảng cùng đại diện Hoàng gia đợi người hùng hồi hương.
Nhưng, ngày 1-7-1969, 11 giờ 20, Crowhurst ghi dòng cuối cùng: “Thế là hết. Thế là hết. Ơn Chúa giải thoát”. Giữa Đại Tây Dương mịt mù, ông ôm chiếc đồng hồ và cuốn hải trình hư cấu nhảy xuống biển.
Người đàn ông từng bơi ngược dòng dữ liệu dối trá suốt tám tháng, nay đi bước cuối cùng. Donald Crowhurst không muốn nói dối nữa. Ông để lại sổ hải trình thật trên thuyền.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags