(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm qua, giới nghiên cứu vẫn chủ yếu nhắc tới sự giúp đỡ của Trung Quốc với Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế nhưng, chúng ta cũng có rất nhiều “người bạn quốc tế” đã cùng chia sẻ với VN trước và sau chiến thắng lịch sử này.
Trong Hội thảo quốc tế tại Hà Nội ngày 5/5 về chiến thắng Điện Biên, một số tham luận đã cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị về sự ủng hộ của quốc tế với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ trong giai đoạn ấy.
1. Thực tế, ngay từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập các mối liên hệ trực tiếp với những nước láng giềng tại Đông Nam Á. Điển hình, một "phái viên quán" và một phòng thông tin được đặt tại Bangkok (Thái Lan) để tranh thủ chính sách chống thực dân của Chính phủ Thái Lan bấy giờ. Trong những năm chống Pháp, Thái Lan trở thành cửa ngõ liên lạc quan trọng giữa một Việt Nam đang bị bao vây với thế giới bên ngoài. Những bản tin bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Thái liên tục xuất bản tại đây, ghi lại tuyên bố của các lãnh đạo Việt Nam đang ở chiến khu Việt Bắc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam là kết quả từ sự ủng hộ và giúp đỡ rất lớn từ bạn bè quốc tế. Ảnh tư liệu
Đầu năm 1948, những cơ quan tương tự của Việt Nam cũng được đặt tại Yangon (Myanmar). Ít người biết, chính phủ Myanmar khi đó đã đài thọ toàn bộ kinh phí hoạt động cho đại diện Chính phủ và Phòng thông tin của Việt Nam tại đây, đồng thời gửi tặng Việt Nam 500 khẩu súng cùng một số thuốc men, điện đài. Tiếp đó, các phòng thông tin tương tự của Việt Nam được thành lập tại Praha (Czech), Paris (Pháp), New Delhi (Ấn Độ), New York (Mỹ), Hong Kong, London (Anh)… Và, sau khi đặt quan hệ với Việt Nam vào năm 1950, Liên Xô đã chủ động tuyên truyền ủng hộ Việt Nam trên tất cả các tờ báo lớn như Sự thật, Tin tức, Sao đỏ, Hải quan đỏ, Thanh niên, Cộng sản, Lao động, Thời mới... Đặc biệt, Đài phát thanh Matxcơva duy trì thường xuyên một chuyên mục phát thanh giới thiệu cuộc kháng chiến của Việt Nam với nhân dân Liên Xô và thế giới.
2. Từ những tin tức và hình ảnh về cuộc kháng chiến của Việt Nam, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã lan tỏa một cách mạnh mẽ và rộng khắp. Trước chiến dịch Điện Biên, công nhân, thanh niên, trí thức, binh lính và nhân dân lao động các nước Pháp, Italy, Đức, Áo, Australia, Algieria, Tuynidi… đã rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược tại Đông Dương. Trong số đó, tất nhiên phải kể tới những cuộc đấu tranh ngay trong lòng nước Pháp.
Từ năm 1946, phong trào phản chiến của nhân dân Pháp liên tục phát triển mạnh, với những gương mặt tiêu biểu như Raymond Dien (người phụ nữ nằm trên đường ray tàu lửa để ngăn cản các chuyến tàu chở vũ khí sang Đông Dương) hay Henri Martin (từng tổ chức các phái đoàn tới đưa yêu sách tại hội nghị Geneve). Đỉnh cao trong số này là chiến dịch vận động buộc Tổng thống Pháp phải trả tự do cho chàng thanh niên phản chiến Martin vào tháng 8/1953, thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu. Báo Nhân đạo của Pháp coi đây là "thắng lợi cao đẹp của thống nhất và của hành động vì bảo vệ tự do và hòa bình ở Việt Nam”.
Ở Ukraine thời kỳ đó, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam lại là cảm hứng để họ sáng tác khá nhiều... tranh biếm họa nhằm ủng hộ người anh em của mình. Ngay khi chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, tháng 5/1954, tạp chí trào phúng Quả ớt có bức họa Nhảy múa tại đám ma, phác thảo sự tương phản giữa những lời tuyên truyền về sự vui vẻ của binh lính Pháp tại Việt Nam với sự thật đau buồn khi những bà mẹ Pháp nhận giấy báo tử của con mình. Một tháng sau đó, tờ báo cũng tiếp tục có những bức tranh chế giễu sự can thiệp gượng ép của Mỹ tại chiến trường Đông Dương, trong bối cảnh mà người Pháp bắt đầu bỏ chạy.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa